Miền Tây ký sự: Về Cồn Sơn trải nghiệm du lịch cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Dù đã từng đến Cồn Sơn, nhưng lần này trở lại cù lao xinh đẹp giữa dòng sông Hậu, tôi vẫn không khỏi ấn tượng trước cảnh sắc, con người và đặc biệt là cách làm du lịch trải nghiệm rất độc đáo của bà con nơi đây.
Du khách đi xuồng từ trung tâm thành phố Cần Thơ đến Cồn Sơn.

Du khách đi xuồng từ trung tâm thành phố Cần Thơ đến Cồn Sơn.

Cồn Sơn là một cù lao trên sông Hậu, có diện tích khoảng 70ha, thuộc địa phận phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Nghe kể rằng xa xưa, người dân nơi này có nghề khai thác nhựa cây sơn và làm gỗ. Về sau nghề này mai một, bà con chuyển sang trồng cây ăn quả và nuôi cá. Khoảng những năm 2015 trở lại đây, người dân Cồn Sơn phát triển mạnh dịch vụ du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách muôn phương.

Từ bến đò ở phường Bình Thủy, chúng tôi chỉ mất chưa đầy mười phút đi xuồng là đã tới Cồn Sơn. Xuồng cập bờ sông ngay tại nhà dân nuôi cá lồng. Bên căn nhà gỗ cao ráo, thoáng mát của ông Lý Văn Bon là nhiều lồng cá san sát, mỗi lồng nuôi một loại khác nhau, như: Cá mê rổ có tài phun tia nước lên cao để săn mồi, cá chép Koi sặc sỡ bơi theo luồng hay bè nuôi nhiều loại cá màu sắc lạ mắt cho phép du khách thả chân chạm mặt nước để đàn cá xúm vào “mát-xa”… Ven hiên nhà, các chị các cô vận áo bà ba cách điệu, vai vấn khăn rằn cất giọng trong vắt về một bài ca của vùng đất miền Tây trù phú…

Chị Phan Thị Kim Hiện (áo tím) là người dân Cồn Sơn kiêm hướng dẫn viên du lịch.

Chị Phan Thị Kim Hiện (áo tím) là người dân Cồn Sơn kiêm hướng dẫn viên du lịch.

Tiếp tục lên xuồng, chúng tôi rẽ vào con lạch nhỏ dập dềnh lục bình, đôi bờ được kè gỗ để ngăn đất lở. Xuồng rẽ sóng trong làn gió mát lạnh của một sáng cuối năm. Cập bờ chỉ mấy bước chân, chúng tôi lọt vào ngay một vườn nhãn xanh um, cành nhánh khúc khuỷu dễ đến vài chục năm tuổi. Nhận cây sào từ tay anh nông dân với nụ cười chất phác, chúng tôi tự hái xuống những chùm nhãn và thưởng thức tại chỗ. Thứ quả quen thuộc này vẫn khiến cả đoàn phải tấm tắc bởi vị ngọt thơm đặc biệt. Để nhãn ra quả trái mùa, bà con nơi đây dùng dao khứa vào thân cây vừa đủ tới lớp thịt vỏ... Dưới gốc cây có các võng để khách nghỉ chân. Dọc vườn là mương nước nở bừng những bông hoa súng, bên trên là chiếc “cầu khỉ” để du khách check-in.

Du khách được thưởng thức nhiều loại bánh dân gian tại địa phương.

Du khách được thưởng thức nhiều loại bánh dân gian tại địa phương.

Rời bước, chúng tôi như bị cuốn đi theo tiếng thuyết minh của chàng hướng dẫn viên trẻ măng, có gương mặt tươi sáng. Lê Quy đang là sinh viên thực tập chuyên ngành Du lịch, anh được HTX tạo điều kiện phối hợp làm hướng dẫn viên để vừa có thu nhập trang trải việc học, vừa tích lũy thêm kiến thức thực tiễn. Chúng tôi theo con đường bê tông nhỏ hai bên nở rực rỡ những loài hoa cánh bướm, cúc tàu, mẫu đơn… dẫn vào nhà anh Nguyễn Thành Tâm- người đàn ông có biệt tài huấn luyện cá nhảy theo khẩu lệnh.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trong vườn nhãn vài chục năm tuổi.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trong vườn nhãn vài chục năm tuổi.

Mương nước cạnh nhà được anh Tâm quây thành từng ô nuôi cá lóc, mỗi ô là các lứa cá khác nhau. Dày công huấn luyện, đàn cá nghe tiếng gõ bát và khẩu lệnh hô “một, hai, ba…” để đồng loạt nhảy lên rất cao khỏi mặt nước ăn mồi. Cạnh đó là ô nuôi cá trê, chúng có khả năng leo ùa lên tấm ván nổi trên mặt nước để ăn cám, có con còn nằm yên một lúc lâu trên đó rồi mới từ từ lách xuống nước. Ngoài ô nuôi hiện diện những con cá rất to, có lẽ đã nuôi từ lâu. Anh Tâm cho hay, những con cá này được “về hưu” sau một thời gian dài biểu diễn cho du khách. Dù từng mở lạch cho tự do bơi ra sông, nhưng không hiểu sao nhiều con vẫn ở lại mương nước trong vườn. Vậy là đàn cá được anh nuôi tiếp để chúng “dưỡng già” cạnh “sân khấu”, chứ không nỡ bán hoặc ăn thịt.

Trải nghiệm mát-xa chân bằng bè cá chép Koi.

Trải nghiệm mát-xa chân bằng bè cá chép Koi.

Chia tay người đàn ông miệt vườn thân thiện có làn da rám nắng, đoàn chúng tôi tiếp tục rẽ sang một ngôi nhà nằm dưới tán cây, trải nghiệm cách làm bánh kẹp cuốn, làm cốm nổ từ bỏng gạo cùng gia đình bà Phan Kim Ngân (bà Bảy Muôn).

Tới đây, đoàn du khách được tiếp đón bởi một hướng dẫn viên khác, đó là chị Phan Thị Kim Hiện- người phụ nữ có vóc người nhỏ nhắn, rất nhanh nhẹn và vui tính. Trong câu chuyện, chị giới thiệu say mê về các loại bánh cổ truyền của người miền Tây, đồng thời không quên tự hào kể về hoạt động của HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn. Đây là mô hình liên kết, do người dân Cồn Sơn thành lập. Các hộ thành viên rất đoàn kết, gắn bó, sáng tạo khi tận dụng chính thiên nhiên, hoa trái và bản sắc văn hóa miệt vườn để làm du lịch cộng đồng.

Nét độc đáo là trên nền tảng của hoa trái miệt vườn, mỗi hộ lại sáng tạo những hoạt động trải nghiệm mang nét đặc sắc riêng, không ai giống ai. Những người nông dân kiêm hướng dẫn viên này gây ấn tượng bởi khả năng sử dụng điện thoại thông minh rất thành thạo. Họ sử dụng các hiệu ứng để chụp ảnh, quay phim điệu nghệ, giúp du khách có những khuôn hình đẹp, đoạn video ấn tượng về làm kỷ niệm…

Kết thúc chặng du lịch trải nghiệm là một bữa ăn trên chòi cùng các đồng nghiệp vùng sông nước miền Tây hiếu khách, với lẩu cá sông và các loại rau trái dân dã. Hương vị của món ăn và dư vị của những trải nghiệm tuyệt vời cứ vương vấn mãi trong lòng du khách khi ra về. Bí quyết thành công của du lịch trải nghiệm - du lịch cộng đồng ở nơi đây chính là việc bà con biết khai thác nét độc đáo của thiên nhiên, vùng đất, nét văn hóa đặc trưng bằng tình cảm biết ơn, trân trọng và tự hào với tất cả những gì mà người dân đã và đang gắn bó. Cùng với tạo cơ hội cho du khách được trải nghiệm, đắm mình trong không gian văn hóa độc đáo, thưởng thức cây trái đặc sản và tận hưởng không gian trong lành, yên tĩnh, những người nông dân làm du lịch còn biết ứng dụng tốt mạng xã hội và điện thoại thông minh vào việc quảng bá, hỗ trợ hoạt động trải nghiệm của du khách. Mô hình và kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt văn hóa vùng nông thôn tại Cồn Sơn rất đáng để người dân Bắc Kạn học hỏi và áp dụng./.

Đăng Bách

Xem thêm