Măng vầu Đôn Phong

Măng vầu là một thức quà đặc sắc của người dân xã Đôn Phong (Bạch Thông). Không chỉ là món ăn đậm vị núi rừng, măng vầu còn tạo ra một nghề phụ mang lại thu nhập khá cho bà con.

Vị của núi rừng

Măng là phần cây non mọc lên từ những loại cây thuộc họ tre nứa. Măng vầu chính là cây non được mọc từ cây vầu, thường xuất hiện ở rừng núi. Ông Bàn Tiến Long, người dân xã Đôn Phong cho biết: Không giống với các loại măng khác, măng vầu đặc biệt ở chỗ nó chỉ ngọt khi cây măng vẫn còn được bao bọc trong lòng đất. Khi măng nhú ra khỏi mặt đất thì vị sẽ the đắng. Độ đắng của cây măng tùy thuộc vào độ cao mà nó đã vươn ra khỏi mặt đất. Cũng chính bởi đặc điểm này mà nó thường được gọi với hai cái tên khác nữa là "măng ngọt" và "măng đắng". Măng vầu vào đầu mùa có vị ngọt giòn nên rất được ưa thích. Tuy nhiên, thời điểm này măng vẫn chưa nhú khỏi mặt đất nên việc tìm và lấy măng không hề dễ dàng.

Bà Phùng Thị Sim- Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong
Đi tìm măng rất vất vả.

Để tìm được những củ măng ngày giáp Tết, người dân phải tìm kiếm các vệt nứt trên mặt đất quanh khu vực cây vầu phát triển, sau đó đào sâu vào lòng đất mới có thể lấy măng ra. Theo những người có kinh nghiệm thì không phải bên dưới vệt nứt nào cũng có măng. Phải tìm những chỗ đất vừa nứt lại vừa bị đùn lên, khả năng tìm được măng sẽ cao hơn. Đến khi măng vào mùa rộ và nhú khỏi mặt đất thì việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn.

Củ măng lấm tấm đất ẩm khi mang về được rửa sạch và chế biến thành nhiều món ăn với hương vị phong phú khác nhau. Thông thường, để giữ được độ ngon của măng trong thời gian dài, người ta sẽ mang lên nồi luộc kỹ, đến bữa sẽ chế biến món ăn theo sở thích. Măng vầu có thể nấu thành nhiều món đặc sắc như: Xào cùng thịt bò hay thịt treo gác bếp, xào lá tỏi, canh măng ninh xương, luộc…

Ông Long cho biết thêm: Từ Tết âm lịch đến nay, hầu như bữa ăn nào gia đình tôi cũng có món măng xào, luộc, nấu canh, nhưng thích nhất vẫn là măng nhồi thịt. Măng ngọt được nhiều người ưa thích, nhưng măng đắng lại có vị riêng, với tôi đấy mới là măng vầu. Không chỉ riêng tôi, nhiều gia đình khác cũng mong đến mùa này. Măng như một món quà của rừng, vừa mang đến bữa cơm ngon lại tạo ra thu nhập.

Thu nhập khá từ măng vầu

Một buổi chiều cuối tháng Giêng, chúng tôi vào xã Đôn Phong. Dọc đường đi nhộn nhịp những chuyến xe chở măng đến các điểm thu mua. Hạ bao măng lấm đất xuống, bà Bàn Thị Ngần- người dân thôn Bản Đán cho biết: Hai vợ chồng tôi đi tìm măng từ trước Tết, vừa để ăn vừa kiếm tiền, lúc ấy măng tìm khó nhưng được giá gần 20.000 đồng/kg. Thời tiết ẩm thì măng sẽ lên nhiều hơn, có ngày nhiều nhất tôi tìm được 100kg. Tìm măng không dễ, phải leo đồi, đi bộ, đào măng, gùi măng cũng rất mệt…

Cùng suy nghĩ với bà Ngần, bà Bàn Thị Tơm chia sẻ: Vất vả như vậy nhưng măng tùy vào thời điểm mà có giá cao thấp khác nhau. Nhà tôi 3 người đi tìm măng mỗi năm thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Cứ vào dịp này cả làng đi tìm măng, có gia đình mỗi vụ măng tìm được hơn 20 triệu. Ở nông thôn, đây là số tiền tương đối lớn, có thể làm được nhiều việc.

Tại xã Đôn Phong, bà con thường đi tìm măng từ sáng sớm đến đầu giờ chiều. Ngay khi ở rừng về, người dân chủ động mang măng đến chỗ thương lái. Hiện xã có 7- 8 điểm thu mua tại các thôn: Bản Chiêng, Nà Lồm, Vằng Bó. Vào đầu mùa, măng ít và ngọt sẽ bán cho tư thương với giá từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, giữa vụ thì chỉ khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi người đi tìm măng gùi về gần 50kg.

Đã hơn 15 năm thu mua măng tại xã Đôn Phong, ông Ngô Xuân Vinh cho biết: Cứ đến vụ măng vầu thì tôi lại vào đây thu mua và giao đi các tỉnh. Măng vầu được nhiều người yêu thích, kể cả khi măng đắng vẫn có hương vị riêng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng người mua cũng ít hơn, nếu như mọi năm mỗi ngày chúng tôi thu mua 2 - 3 tấn thì năm nay chỉ được vài tạ. Giá bán măng cũng giảm nhiều, không cao như mọi năm.

Bà Phùng Thị Sim- Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: Từ tháng 12 đến hết tháng 3 âm lịch, nhiều người dân trong xã đi tìm măng. Măng vầu mang lại nguồn thu nhập khá, giúp bà con vơi bớt khó khăn. Xã đang tuyên truyền, vận động người dân sau khi đào măng sẽ nghỉ một khoảng thời gian để vầu lên một lớp mới. Có nguồn thu từ rừng, người dân Đôn Phong càng nêu cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng./.

Bích Phượng

Xem thêm