Măng ớt đèo Gió vươn xa

Đã từ lâu thực khách đi qua đèo Gió (Ngân Sơn) quen thuộc với hương vị đậm đà thơm ngon, cay nồng, chua giòn. Đây đã trở thành sản phẩm đặc trưng, vươn xa tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và trở thành nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

Khách đi đường dừng chân mua sản phẩm măng ớt đèo Gió.
Khách đi đường dừng chân mua sản phẩm măng ớt đèo Gió.

Mỗi hộ dân tại khu vực đèo Gió có cách làm khác nhau để tạo ra sản phẩm măng ớt với hương vị đặc trưng, dù để thời gian dài măng vẫn trắng, giòn nhưng về cơ bản nguyên liệu để làm măng ớt gồm măng củ tươi, ớt thái nhỏ hoặc xay, quả mác mật, tỏi. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu măng ớt đèo Gió có lẽ là sự kết hợp hoàn chỉnh giữa nguyên liệu từ rừng và nguồn nước sạch tự nhiên, đảm bảo không hóa chất.

Thoăn thoắt đôi tay thái măng thành sợi nhỏ, chị Nguyễn Thị Xuân, chủ điểm dừng chân Xuân Phòng vui vẻ chia sẻ về bí kíp làm nên những hộp măng bắt mắt, chất lượng: Măng lấy từ cây tre gai, luồng, mai… khi mua măng về thì phần ngọn dùng để làm măng khô hoặc măng chua, còn phần củ thái sợi ngâm với nước giếng sạch khoảng 15 – 20 ngày rồi vớt ra để ráo, sau đó trộn với ớt xay, tỏi, quả mác mật, đường, muối sẽ tạo ra được sản phẩm măng ớt vừa thơm, giòn, để được rất lâu, thậm chí 2 năm hộp măng vẫn trắng ngon nếu được bịt kín không để không khí lọt vào. Một năm bình quân gia đình tôi tiêu thụ khoảng 3.000 hộp, giá bán từ 40.000 – 50.000 đồng/hộp. Khi mùa măng đến, gia đình tôi mua khoảng 5 tấn măng tươi. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc tiêu thụ măng ớt cũng bị chững lại do lượng khách đi lại ít, nhưng đầu năm nay mọi hoạt động kinh doanh đã cơ bản trở lại, khách mua nhiều hơn.

Đã 20 năm gắn bó với nghề sản xuất sản phẩm măng ớt, Cơ sở sản xuất Phong Phin đã thành công xây dựng măng ớt thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh nhiều năm nay. Ông Bàn Thanh Nghĩa- Chủ Cơ sở sản xuất Phong Phin chia sẻ: Chúng tôi mở điểm dừng chân trên đèo Gió lâu năm cùng với sản phẩm do gia đình tự sản xuất, chất lượng tạo nên uy tín, khách dừng chân thường mua về ăn, làm quà. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu mua tại địa phương và vùng lân cận khoảng 20 – 30 tấn măng tươi, xuất bán trên 20.000 hộp mỗi năm, giá bán phụ thuộc vào trọng lượng hộp dao động từ 30.000 – 150.000 đồng. Đối với sản phẩm OCOP cơ sở đóng lọ thủy tinh 750g, có đầy đủ về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nên giá trị kinh tế cao hơn, sản phẩm không đủ để cung ứng cho thị trường, cơ sở từ chối nhiều hợp đồng bao tiêu tại các tỉnh do sản lượng không đủ cung cấp theo yêu cầu. Nhờ sản xuất măng ớt, cơ sở tạo việc làm thời vụ cho 5 – 10 người dân địa phương. Dự kiến trong thời gian tới, cơ sở hướng đến chuẩn bị các điều kiện để nâng cấp sản phẩm măng ớt lên 4 sao OCOP.

Nhiều người dân có thu nhập từ bán măng tươi làm nguyên liệu măng ớt.
Nhiều người dân có thu nhập từ bán măng tươi làm nguyên liệu măng ớt.

Những hộp măng ớt với sắc đỏ của ớt, màu trắng ngà của măng, màu xanh của quả mác mật được xếp thành hàng, bày bán suốt dọc đường đèo. Với công việc đặc thù là lái xe khách tuyến Cao Bằng – Hà Nội nên ngày nào anh La Văn Nghĩa cũng dừng xe cho khách nghỉ tại đèo Gió để ăn cơm. Món măng ớt luôn không thể thiếu trong bữa ăn nếu không dùng làm nước chấm thì cũng ăn với cơm như một thói quen. Tôi đi nhiều nơi, ăn măng ớt ở nhiều địa phương nhưng không thể ngon như ở đèo Gió- anh Nghĩa chia sẻ.

Sản phẩm măng ớt đèo Gió đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, cũng mở hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho những người dân trồng măng. Với việc là nguồn nguyên liệu chính cho sản phẩm măng ớt, người trồng măng cũng có thu nhập ổn định khi trên trục đường đèo Gió có mấy chục hộ dân mở quán kinh doanh, đến vụ quán ít bình quân thu mua khoảng 01 - 20 tấn măng tươi, măng tươi giá bán từ 6.000 – 10.000 đồng/kg. Nhận thấy đây là hướng phát triển kinh tế triển vọng này, nhiều hộ dân địa phương đã chú trọng mở rộng và chăm sóc cây tre, mai, luồng.

Gia đình bà Vi Thị Loan, thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng là một trong những hộ đầu tiên trồng măng tập trung của địa phương với diện tích hơn 1ha, chỉ qua gần 2 năm đã bắt đầu cho thu hoạch. Bà Loan cho biết: Năm 2020 gia đình trồng hơn 1ha mai, hiện đã có măng bán, cứ 3 – 5 ngày được thu một lứa khoảng 40 – 50kg, thu liên tục hơn 01 tháng. Do năm đầu nên măng nhỏ giá bán mới được 8.000 đồng/kg. Xác định đây là cây trồng mang lại thu nhập nên gia đình chú trọng chăm sóc, cắt tỉa cây để kích thích măng mọc vụ sau. Cây măng có tuổi thọ mấy chục năm nhưng nếu không áp dụng kỹ thuật thì sản lượng măng thu hằng năm không cao, từ năm thứ 3 trở đi củ măng to, mọc nhiều hơn.

Khu vực đèo Gió là điểm dừng chân của du khách khi đến Cao Bằng và xuôi về Hà Nội, lượng khách đi lại rất đông là điều kiện thuận lợi để quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương. Sản phẩm măng ớt đèo Gió đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, tuy nhiên hướng đến hình thành “Làng nghề sản xuất măng ớt” cũng là việc “cần nghĩ đến” để nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng đồng nhất và để sản phẩm măng ớt vươn xa hơn, góp phần giúp cuộc sống người dân nơi đây ngày càng khởi sắc./.

Hà Nhung

Xem thêm