Tết này, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại các địa phương trong tỉnh rất phấn khởi, bởi thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách dân tộc, như chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo...
![]() |
Các chính sách hỗ trợ góp phần tăng năng suất, sản lượng, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS tại các vùng ĐBKK của tỉnh. |
Thời gian qua, các chính sách dân tộc được tỉnh ta chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã phát huy hiệu quả thiết thực. Đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng bào luôn đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Nhằm tạo thuận lợi cho đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, tỉnh ta đã thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) với tổng kinh phí hơn 411 tỷ đồng để đầu tư 758 lượt công trình giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường, lớp học, nước sinh hoạt... Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đều phát huy được hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hoá, phát triển sản xuất, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc.
Đối với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, trong giai đoạn này đã thực hiện đầu tư hỗ trợ mua giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại; hỗ trợ xây dựng dự án và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 18.000 lượt hộ DTTS hưởng lợi. Riêng năm 2020, thực hiện đầu tư 101 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, như dự án trồng trọt, chăn nuôi; dự án máy móc, nuôi thủy sản..., với hơn 500 hộ được hưởng lợi.
Ông Phùng Văn Trình, dân tộc Mông, thôn Cốc Ỏ, xã Thuần Mang (Ngân Sơn) cho biết: “Những năm trở lại đây, đồng bào Mông Cốc Ỏ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, sản xuất nên cuộc sống có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, Chương trình 135 còn hỗ trợ bà con mua máy móc sản xuất, cây, con giống và hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Đến nay, một số hộ nghèo của thôn đã vươn lên cận nghèo, hầu hết các gia đình đều mua được xe máy để đi lại, nhiều hộ mua được ti vi, làm được nhà xây cấp IV. Tết cổ truyền Tân Sửu năm nay chắc hẳn sẽ vui hơn, vì đời sống của đồng bào không ngừng được nâng lên”.
Các chính sách khác như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi... được quan tâm duy trì thực hiện thường xuyên.
Ông Thào Minh Khyào, người có uy tín ở thôn Nặm Khiếu, xã Nhạn Môn (Pác Nặm) chia sẻ: “Mùa xuân này, đồng bào Mông, Dao ở thôn Nặm Khiếu vui lắm, vì thời gian qua được Đảng, Nhà nước, cùng các cấp ủy, chính quyền ở địa phương đầu tư mở đường lên bản, hỗ trợ cấp giống trâu, bò, lợn; các loại giống cây trồng, phân bón, máy nông cụ... nên năng suất, sản lượng lương thực tăng đáng kể, thôn giờ đã không còn hộ đói mỗi khi giáp hạt. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc vỗ béo cũng đã giúp cho các hộ dân ổn định đời sống, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đây là động lực để đồng bào tiếp tục thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa ở địa phương”.
Trưởng ban Dân tộc Triệu Thị Thu Phương cho biết: Các chương trình, chính sách đầu tư vùng DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng; hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, khá kịp thời, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến năm 2020, toàn tỉnh còn khoảng hơn 15.000 hộ nghèo DTTS; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa được cải thiện; diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực, tạo điều kiện cho đồng bào chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng đồng bào DTTS, trong đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng nhanh các công trình trọng điểm, thiết yếu; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh. Qua đó, tạo đà cho các vùng ĐBKK của tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.../.
Quý Đôn