Linh hoạt trong sản xuất, đảm bảo gieo cấy đúng tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Từ đầu năm đến nay thời tiết ít mưa ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ gieo cấy toàn tỉnh. Tuy nhiên các địa phương đã linh hoạt trong sản xuất, chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế.
Nông dân huyện Bạch Thông khẩn trương cấy lúa theo khung thời vụ.

Nông dân huyện Bạch Thông khẩn trương cấy lúa theo khung thời vụ.

Vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo, trồng cây lương thực có hạt là 17.044ha. Do chủ động tốt các phương án sản xuất, từ khâu chuẩn bị nguồn vật tư, điều tiết nước, tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng, đến ngày 06/3, toàn tỉnh đã gieo cấy được 80% diện tích lúa.

Một số địa phương gieo cấy đạt tỷ lệ cao trên 90% như: Chợ Mới, Pác Nặm, Chợ Đồn, Bạch Thông…; các địa phương cấy tỷ lệ đạt thấp nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sản xuất, một số diện tích chờ nước mưa.

Nguồn cung ứng giống, vật tư phân bón cho sản xuất vụ xuân đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Nguồn cung ứng giống, vật tư phân bón cho sản xuất vụ xuân đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Hiện đang bước vào cao điểm của thời vụ gieo cấy, tuy nhiên nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất có thể xảy ra. Bà Nông Thị Thúy, ở thôn Cốc Xả, xã Quân Hà (Bạch Thông) có khoảng 1.500m2 ruộng địa hình bậc thang, trong đó chỉ khoảng 1.400m2 chủ động nguồn nước đã cấy xong, còn khoảng 100m2 ruộng nằm ở vị trí cao phải chờ nước mưa, số diện tích này bà đã làm đất để trồng ngô. Với tổng diện tích này mọi năm bà Thúy đều cấy lúa, nhưng do năm nay ít mưa nên phải chuyển một phần diện tích sang cây trồng khác.

Toàn tỉnh đã trồng 869ha cây thuốc lá, hiện cây đã ra 8-10 lá, thời kỳ này cây đang cần nước để phát triển, tuy nhiên nhiều vùng vẫn chưa có mưa.

Ngành chức năng kiểm tra hệ thống đập, kênh mương tại huyện Pác Nặm.

Ngành chức năng kiểm tra hệ thống đập, kênh mương tại huyện Pác Nặm.

Với cách làm "Có nước tới đâu, làm tới đó", các địa phương đang khẩn trương đẩy mạnh tiến độ gieo cấy, tuy nhiên theo nhận định của ngành chuyên môn, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo lượng mưa tháng 3/2023 phổ biến thấp hơn 10-20% so với trung bình nhiều năm. Thời điểm hiện tại lượng dòng chảy trên các sông suối đều ở mức thấp, các hồ chứa nước đạt khoảng 60-80% dung tích thiết kế, nguy cơ thiếu nước có khả năng xảy ra.

Thống kê mới nhất của Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.290ha diện tích đất nông nghiệp có nguy cơ bị hạn, trong đó huyện Na Rì là 266ha; huyện Chợ Mới 260ha. Ngành đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn thường xuyên thăm nắm, kiểm tra, vận hành, tích nước, điều tiết, phân phối nước hợp lý, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp.

Tuyên truyền đến người dân về tình hình sử dụng nguồn nước, nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Với diện tích gieo cấy trên cao, xa công trình thủy lợi có phương án chuyển sang cây trồng cạn kịp thời.

Một số diện tích không chủ động được nước tưới đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây khác. Trong ảnh: Người dân xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn trồng kiệu.

Một số diện tích không chủ động được nước tưới đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây khác.

Trong ảnh: Người dân xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn trồng kiệu.

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Ngành chỉ đạo các huyện, thành phố bám sát phương án sản xuất của tỉnh, sử dụng bộ cơ cấu giống hợp lý, phù hợp theo điều kiện từng vùng, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp. Qua thăm nắm, rà soát, một số địa phương có diện tích nguy cơ thiếu nước đã chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng chịu hạn như ngô, thuốc lá, đỗ tương, ớt, kiệu…”.

Diện tích cây thuốc lá tại xã Cốc Đán (Ngân Sơn) đang cần nguồn nước mưa.

Diện tích cây thuốc lá tại xã Cốc Đán (Ngân Sơn) đang cần nguồn nước mưa.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là kết thúc thời vụ gieo cấy đối với cây lúa và ngô ruộng, soi bãi (trước 15/3) và đối với cây ngô đồi là trước 30/4. Để đảm bảo đạt kết quả cao nhất, các địa phương cần chủ động công tác dự tính, dự báo về thời tiết, cập nhật diễn biến tình hình sâu bệnh hại để kịp thời tuyên truyền cho bà con nông dân có biện pháp phòng, chống, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt./.

các đơn vị nông nghiệp

Xem thêm