Liên kết trồng theo dự án, nhiều diện tích gừng không mọc

Niên vụ trồng gừng năm 2020, huyện Pác Nặm có hơn 100 hộ dân tham gia trồng gừng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nằm trong khuôn khổ Dự án CSSP. Tuy nhiên, do khâu chuẩn bị giống, cung ứng gừng giống không đảm bảo nên nhiều diện tích gừng không mọc, thối củ. Một số diện tích người dân đã chuyển sang trồng cây màu khác.

Niên vụ trồng gừng năm 2020, huyện Pác Nặm có hơn 100 hộ dân tham gia trồng gừng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nằm trong khuôn khổ Dự án CSSP. Tuy nhiên, do khâu chuẩn bị giống, cung ứng gừng giống không đảm bảo nên nhiều diện tích gừng không mọc, thối củ. Một số diện tích người dân đã chuyển sang trồng cây màu khác.

Tại xã Cổ Linh, năm nay Tổ hợp tác liên kết trồng cây gừng gồm 12 hộ ở thôn Bản Cảm thực hiện trồng mỗi hộ 1.000m2 gừng tại các vị trí vườn đồi của gia đình. Mỗi hộ đã đối ứng 30% số tiền giống, phần còn lại dự án sẽ hỗ trợ. Người dân thực hiện dự án được hỗ trợ phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây gừng. Theo chị Lường Thị Nự, cán bộ nông – lâm 30a của xã Cổ Linh thì các hộ dân đã nhận giống và thực hiện trồng từ đầu tháng 4, thực hiện đảm bảo các quy trình kỹ thuật trồng nhưng củ gừng giống vẫn bị thối, hỏng. Tổng diện tích thực hiện 1,2ha nhưng tỷ lệ mọc chưa đến 10%, nhiều diện tích gừng không mọc nên một số hộ đã chuyển sang trồng cây đỗ tương thay thế.

Ông Lường Văn Đoàn, thôn Bản Cảm là một trong những hộ tham gia trồng gừng với diện tích khoảng 1.000m2 cho biết: "Gia đình đã mua 150kg gừng giống về trồng nhưng chỉ mọc được mấy chục khóm, còn lại hỏng hết. Số tiền mua giống hơn hai triệu đồng đối ứng gia đình đã thanh toán đầy đủ cho đơn vị cung ứng giống. Nay giống không mọc, gia đình mong muốn cơ quan chuyên môn vào cuộc xem xét nguyên nhân và đề nghị đơn vị cung ứng giống trả lại phần tiền đối ứng mua giống".

Cùng trên một thửa đất rộng chừng 1.200m2, trong đó bà Dương Thị Thúy, thôn Bản Cảm dành khoảng 1.000m2 để trồng giống gừng của dự án, phần còn lại trồng thêm giống gừng sẵn có của gia đình. Thế nhưng, phần diện tích đất trồng gừng của dự án không mọc còn giống gừng của gia đình trồng lại mọc tốt. Quy trình kỹ thuật thực hiện đều như nhau nên gia đình khẳng định gừng không mọc là không phải do thời tiết, mà chủ yếu là do giống gừng.

Theo cán bộ chuyên môn, qua kiểm tra cây gừng trồng ở xã Cổ Linh tỷ lệ mọc chưa đạt đến 10%
Theo cán bộ chuyên môn, qua kiểm tra cây gừng trồng ở xã Cổ Linh tỷ lệ mọc chưa đạt đến 10%

Hộ bà Cà Thị Mơ thuộc Tổ trồng gừng Nặm Mây, xã Bộc Bố đang phải tiến hành trồng dặm lại diện tích gừng trồng của gia đình. Bà Mơ cho biết: Năm nay, gia đình chuyển đổi 2.000m2 ruộng trồng lúa sang trồng gừng theo dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ. Một số thành viên trong tổ mua giống với Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê có địa chỉ tại thành phố Bắc Kạn để trồng cho kịp thời vụ. Tuy nhiên, do chất lượng giống kém, trồng từ cuối tháng 3 nhưng tỷ lệ mọc ít và cây không mọc cao, gia đình phải dồn lại một phần diện tích để làm ruộng. 

Triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh doanh nông hộ tỉnh Bắc Kạn (CSSP), huyện Pác Nặm đã xây dựng được 08 tổ trồng gừng với diện tích 12ha với hơn 100 hộ dân tham gia, tập trung tại các xã Bộc Bố, Giáo Hiệu, Xuân La và Cổ Linh. Vừa qua, Ban điều phối dự án đã phối hợp với DNTN xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê (đơn vị cung ứng giống và cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm củ gừng) và phòng chuyên môn của huyện đi kiểm tra tại một số tổ hợp tác trồng gừng. Qua kiểm tra, tỷ lệ cây gừng dự án chỉ mọc đạt từ 30 - 55%, nhiều diện tích gừng không mọc. Nguyên nhân là do giống gừng không đảm bảo chất lượng, cộng với thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến tỷ lệ mọc của cây gừng. Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 10, HĐND huyện Pác Nặm khóa III mới đây, cử tri xã Giáo Hiệu, Xuân La đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét nguyên nhân, đánh giá thiệt hại và có biện pháp giúp đỡ các hộ gia đình đã thực hiện trồng gừng nhưng không mọc hoặc mọc ít.

Đồng chí Lộc Thăng Huyến- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân La cho biết: Năm 2020 xã Xuân La thực hiện trồng hơn 7ha gừng. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn thì tỷ lệ mọc chỉ đạt khoảng 42%. Nguyên nhân một phần do giống gừng và thời tiết sau khi trồng tại địa phương cũng không thuận lợi. Với tỷ lệ mọc thấp như vậy chắc chắn sản lượng giảm, người dân và chính quyền địa phương mong muốn các đơn vị liên quan cần xem xét cụ thể và hỗ trợ lại cho người dân.

Lãnh đạo các xã thực hiện dự án liên kết trồng gừng đều chung nhận định rằng khi có chủ trương và được thực hiện dự án người dân đã rất vui mừng, hưởng ứng tham gia thực hiện. Tuy nhiên, do giống gừng chưa đảm bảo về chất lượng nên đã gây ra tâm lý lo lắng cho người dân tham gia dự án. Do vậy, trong thời gian tới rất mong các cơ quan chuyên môn liên quan của tỉnh, huyện xem xét nguyên nhân và đưa ra những giải pháp giúp đỡ cho người dân đã mua và tham gia trồng gừng./.

Văn Lạ

Xem thêm