Liên kết “4 nhà”, hiệu quả gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Hoạt động liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang là xu hướng phát triển mạnh với rất nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.
Cây nguyên liệu thuốc lá là mô hình liên kết “lâu đời” nhất với diện tích khoảng 800 - 1.000ha/năm.

Cây nguyên liệu thuốc lá là mô hình liên kết “lâu đời” nhất với diện tích khoảng 800 - 1.000ha/năm.

Bước vào năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, có 23 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Các dự án tập trung phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Các hợp tác xã (HTX) được chọn hỗ trợ đều đã và đang thực hiện liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; có năng lực và hoạt động hiệu quả trong những lĩnh vực như: Chăn nuôi gà, chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, chăn nuôi lợn. Nhóm trồng trọt tập trung vào các sản phẩm rau cải, dưa chuột, bí xanh, dong riềng, quả mơ, dược liệu... Nhóm chế biến tập trung vào sản xuất, chế biến miến dong, bún, phở khô, thịt trâu khô... Các HTX được hỗ trợ vào các hạng mục như tư vấn xây dựng liên kết; tập huấn kỹ thuật; xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ giống, vật tư, hỗ trợ hạ tầng, máy móc.

Những doanh nghiệp có “thâm niên” liên kết với nông dân Bắc Kạn như: Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina; Công ty cổ phần Nông nghiệp Bắc Giang; Công ty Tam nông Bắc Giang; Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới); Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tiến Phát Thanh Hóa… đều triển khai cán bộ khoa học, kỹ thuật đi cùng để hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, gieo trồng, thu hoạch một cách kỹ lưỡng, chi tiết, nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao.

Liên kết sản xuất bí xanh thơm ở Ba Bể đạt hiệu quả cao.

Liên kết sản xuất bí xanh thơm ở Ba Bể đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến dong, curcumin nghệ, tinh bột nghệ, gạo Japonica, bí xanh, khoai tây, ớt, dược liệu, chăn nuôi lợn, gà… đều đạt hiệu quả cao, sản phẩm tiêu thụ mạnh. Ngoài ra, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, nhiều sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tiêu chuẩn hữu cơ, OCOP... Nhiều cơ sở, HTX đã sản xuất theo chuỗi từ đầu tư kết hợp với nông dân để trồng, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Quy trình khép kín này mang lại giá trị cuối cùng của sản phẩm.

Trong liên kết, sự hỗ trợ của Nhà nước, vốn của doanh nghiệp, HTX đầu tư phân bón, giống, kỹ thuật sản xuất... cho nông dân. Cuối vụ, nông dân bán nông sản cho doanh nghiệp, HTX để chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, giá trị sản phẩm mà nông dân bán cho doanh nghiệp có liên kết thường thực hiện theo giá trị hợp đồng hoặc theo giá thị trường. Đây thực sự là mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành, tạo vùng nguyên liệu và đầu ra ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: “Để có được những liên kết hiệu quả trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng, vai trò “Nhà nước” của tỉnh đã ghi dấu ấn sâu đậm từ việc đứng ra định hướng, tổ chức, tạo điều kiện để cho nông dân, doanh nghiệp gặp nhau; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ nhãn hàng; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp với nhiều ưu đãi, đồng thời xác định các sản phẩm chủ lực... Hiện nay, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản đã trở thành nhu cầu của cả nông dân, doanh nghiệp, HTX, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững”.

Sản phẩm ớt ở Chợ Mới luôn được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá hợp đồng ban đầu.

Sản phẩm ớt ở Chợ Mới luôn được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá hợp đồng ban đầu.

Đi đầu về mô hình liên kết là các hoạt động sản xuất rau cải, củ cải, quả mơ… cung cấp cho Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu Công nghiệp Thanh Bình để chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản; mô hình trồng nghệ nếp của người dân các huyện Pác Nặm, Na Rì và TP. Bắc Kạn cung cấp cho HTX Nông nghiệp Tân Thành để sản xuất chế biến các sản phẩm từ nghệ. Mô hình liên kết “4 nhà” trồng lúa Japonica hữu cơ ở huyện Chợ Đồn và Ba Bể được triển khai có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Mô hình chăn nuôi gà ta, lợn đen bản địa cung cấp cho HTX Trần Phú làm đầu mối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Ngoài ra, các mô hình liên kết trồng dong riềng, bí xanh thơm, gạo Khẩu Nua Lếch, khoai tây, ớt, dược liệu… đều đạt kết quả cao.

Anh Hoàng Văn Cương, thôn Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) là trưởng nhóm trồng dưa chuột liên kết với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI cho biết: “Giống, phân bón, kỹ thuật do cán bộ của Công ty hướng dẫn, việc trồng dưa cũng đơn giản, không có khó khăn gì. Sau 02 tháng trồng, dưa đã cho thu hoạch. Cứ cách 2 ngày, chúng tôi lại hái quả, tập kết tại nhà họp thôn để cân lên xe của Công ty. Quá trình hợp tác liên kết thuận lợi, cho thu nhập khá và ổn định quanh năm. Nhiều hộ dân đang lên kế hoạch mở rộng diện tích”.

Đặc biệt, nhiều mô hình gắn với du lịch trải nghiệm như trồng bí xanh, nuôi cá hồi, cá tầm ở huyện Ba Bể; trồng dâu tây, trà hoa vàng ở Chợ Đồn; trồng hạt dẻ ở huyện Ngân Sơn; trồng cam, quýt ở huyện Bạch Thông… đã thu hút rất nhiều du khách tham quan, trải nghiệm./.

Phan Quý

Xem thêm