Lên Khuổi Lùng xem người dân làm đường nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Bên những sườn đồi mỡ, rừng vầu xanh tốt, vươn mình thẳng tắp, tiếng nói cười rộn ràng, người dân thôn Khuổi Lùng, xã Mỹ Phương (Ba Bể) mỗi người một việc, chung sức đổ đường bê tông tuyến đường lên khu sản xuất với mong muốn cuộc sống sẽ đổi thay khi việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.
Bà con thôn Khuổi Lùng tạo mặt bằng để đổ bê tông.

Bà con thôn Khuổi Lùng tạo mặt bằng để đổ bê tông.

Từ tờ mờ sớm, người dân Khuổi Lùng đã tập trung tại trung tâm thôn để cùng nhau xúc, trộn cát, sỏi, xi măng lên 02 xe tắc tơ, rồi di chuyển ra khu vực tập kết đổ bê tông tuyến đường lên khu sản xuất Nặm Tốc, Khau Vẹn và Píc Cáy.

Đợt này, thôn Khuổi Lùng được hỗ trợ từ nguồn Hội Chữ thập đỏ các cấp, các nhà hảo tâm giúp đỡ 102 tấn xi măng, người dân trong thôn góp sức khai thác cát, tạo mặt bằng và đổ đường bê tông. Dự kiến con đường nội thôn được bê tông dài khoảng 3km, rộng 1,2m và dày hơn 14cm. Do tuyến đường xa, vận chuyển vật liệu khó khăn nên phải mất khoảng một tháng để hoàn thành.

Thôn Khuổi Lùng có 29 hộ là dân tộc Dao, Mông cùng sinh sống. Đời sống của bà con nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào rừng nên công tác bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng được chú trọng. Toàn thôn bảo vệ hơn 300ha rừng phòng hộ, diện tích đất được phép trồng rừng bà con đã phủ xanh. Hằng năm, từ nguồn hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng, thôn sử dụng xây dựng các công trình công cộng, bê tông các đoạn đường khó đi. Đến nay, thôn còn 08 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.

Trao đổi cùng Trưởng thôn Triệu Đình Quang, chúng tôi càng khâm phục hơn về công tác dân vận khéo của Ban công tác Mặt trận nơi đây. Con đường nội thôn đi lên khu sản xuất và nơi sinh sống của 05 hộ dân nên việc huy động người dân khu vực trung tâm thôn bỏ công sức làm đường không được ủng hộ, bởi nhiều hộ không có ruộng nương trên đó. Thông qua các buổi họp thôn và vận động, tuyên truyền tại nhà về lợi ích khi có đường, dần dần người dân cũng đồng thuận và tự nguyện, vui vẻ góp sức.

Người dân dùng thân cây vầu đựng nước để vận chuyển đến các vị trí thi công dễ dàng hơn.

Người dân dùng thân cây vầu đựng nước để vận chuyển đến các vị trí thi công dễ dàng hơn.

Sau một thời gian di chuyển bằng xe máy trên những con đường nhỏ lởm chởm đất đá, khu vực thi công đường của bà con cũng đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Tiếng nói cười, tiếng cuốc, xẻng... phá tan bầu không khí vốn tĩnh lặng. Mỗi người một việc, ai nấy đều nhanh tay để con đường sớm hoàn thành. Do khu vực làm đường không có điện để sử dụng máy bơm nước nên bà con phải sử dụng những cây vầu mọc trong rừng để đựng nước vận chuyển đến các vị trí trộn vữa. Mỗi người vác một thân cây vầu như vậy tương đương khoảng 20 lít nước/lần.

Con đường bê tông đang dần được hoàn thành.

Con đường bê tông đang dần được hoàn thành.

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận và trò chuyện cùng bà Lý Thị Bảo, bà cho biết: “Tôi năm nay 67 tuổi, mấy ngày nay hôm nào cũng đi làm đường. Gia đình tôi có 2 người tham gia, nhà xa nên trưa làm cơm ăn tại đây rồi chiều tiếp tục làm. Đường hoàn thành đi lại dễ dàng, nông lâm sản bán được giá hơn”.

Ngồi kế bên, chị Triệu Thị Sinh tiếp lời: "Hôm nay là ngày thứ 4 tôi tham gia làm đường, công việc chủ yếu là vận chuyển nước, cũng khá mệt, đau vai nhưng rất vui vì sắp có con đường đi lại thuận tiện".

Để làm đường, 29 hộ dân thôn Khuổi Lùng mỗi hộ 01 người, nếu gia đình không bận sẽ cùng nhau góp sức. Tinh thần tự giác được bà con phát huy, nếu nghỉ sẽ bù công lao động vào ngày hôm sau. Trưởng thôn Triệu Đình Quang cho biết: Có sự hỗ trợ về vật liệu, người dân góp sức nên tranh thủ lúc nông nhàn sẽ huy động người dân làm đường. Đợt này, thời gian làm đường khoảng chục ngày rồi nghỉ để bà con cày cấy cho đúng khung thời vụ. Để có con đường này, trước đây bà con đã tự nguyện hiến đất, góp sức mở đường. Tuyến đường hoàn thành sẽ thuận tiện trong việc vận chuyển gỗ rừng trồng, giảm chi phí sản xuất và người dân có thêm thu nhập.

Bà con cùng nhau nấu ăn bữa trưa, đơn giản mà ấm tình đoàn kết.

Bà con cùng nhau nấu ăn bữa trưa, đơn giản mà ấm tình đoàn kết.

Mặc dù cuộc sống vẫn còn bề bộn lo toan nhưng khi “ý Đảng hợp lòng dân” thì sức dân sẽ phát huy hiệu quả. Những tuyến đường đất lầy lội, đá sỏi gồ ghề sẽ được thay thế bằng con đường bê tông, diện mạo nông thôn được đổi thay. Ở Khuổi Lùng những ngày này, "ý Đảng, lòng dân" đang được khẳng định mang theo niềm tin, hy vọng về cuộc sống ổn định, khởi sắc như những cánh rừng vầu, rừng mỡ đang vươn mình phát triển.

Mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, người dân Khuổi Lùng dừng tay cùng nhau làm cơm trưa, thức ăn chỉ có rau, măng rừng cùng ít thịt lợn, cơm nắm mang theo nhưng thật ấm áp tình đoàn kết. Còn chúng tôi ngược dốc, mang theo sự khâm phục về cách làm sáng tạo và sự chung sức, đồng lòng của người dân vùng cao Khuổi Lùng. Mong rằng một ngày không xa khi trở lại nơi này sẽ chứng kiến Khuổi Lùng đổi thay cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần với một diện mạo nông thôn mới./.

Xem thêm