Ngày 23/6, các đồng chí: Nguyễn Văn Du- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nông Văn Chí- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi thăm mô hình khảo nghiệm trồng rừng bạch đàn tại xã Thanh Mai (Chợ Mới). Sau chuyến khảo sát thực tế, đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần SAHABAK tại Khu Công nghiệp Thanh Bình.
Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, ông Lê Viết Thắng– Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SAHABAK, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn, cho biết: Để góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần SAHABAK, năm 2012 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn đã tiến hành khảo nghiệm trồng rừng bạch đàn đối với 02 giống bạch đàn trắng 6 và bạch đàn đỏ UL14, được chọn tạo bằng công nghệ nuôi cấy mô tại 03 điểm, gồm: Tiểu khu lâm nghiệp Thanh Mai thuộc Lâm trường huyện Chợ Mới; Tiểu khu lâm nghiệp Huyền Tụng thuộc Lâm trường huyện Bạch Thông và Tiểu khu lâm nghiệp Nà Phặc thuộc Lâm trường huyện Ngân Sơn, với quy mô 12ha.
Khảo sát thực tế mô hình khảo nghiệm rừng bạch đàn được tạo giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tại thôn Phiêng Luông, xã Thanh Mai (Chợ Mới). |
Sau hơn 2 năm triển khai cho thấy, tốc độ sinh trưởng của 02 loại cây bạch đàn khảo nghiệm tương đương với tốc độ sinh trưởng của cây keo lai hom và cao hơn tốc độ sinh trưởng của cây keo tai tượng Úc.
Đặc biệt, thân cây tròn đều, tỷ lệ lợi dụng gỗ thương phẩm sẽ rất cao; khả năng dẻo dai của thân cây cũng sẽ chống được gẫy đổ do gió; cây ít bị sâu bệnh, khả năng chịu rét tốt. Kết quả khảo nghiệm ban đầu cũng cho thấy, mô hình rừng trồng bạch đàn với 02 giống bạch đàn đỏ và bạch đàn trắng thích hợp với vùng thấp tại các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Mới. Đây cũng là loại cây mang tính công nghiệp cao, gỗ phù hợp với hoạt động chế biến gỗ bóc, gỗ ép, do đó sẽ có đầu ra ổn định.
Tuy nhiên, do khả năng cải tạo đất kém, cây không thích hợp trồng ở vùng đất có độ dốc cao; về giống của 02 loại cây bạch đàn này còn đắt, khoảng 2.000 đồng/cây, khó trong việc nhân rộng. Tại buổi làm việc, ông Lê Viết Thắng cũng đề xuất, để tăng cơ cấu cây trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, nên xây dựng mô hình trồng hỗn loài keo + bạch đàn.
Đối với hoạt động của Công ty Cổ phần SAHABAK, hiện còn một số khó khăn như thiếu nguyên liệu, khó tiếp cận nguồn vốn vay, đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Du– Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy biểu dương những nỗ lực của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn, Công ty Cổ phần SAHABAK trong việc chủ động xây dựng các mô hình phù hợp để góp phần tạo vùng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, chế biến gỗ. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh cần giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phối hợp nghiên cứu bộ giống cây lâm nghiệp, ổn định, mang lại hiệu quả cao nhất và có khảo nghiệm cụ thể từ đó triển khai nhân rộng trên cơ sở xác định những vùng trồng phù hợp. Đối với vấn đề đầu ra của cây giống, các đơn vị cũng cần chủ động bằng các kế hoạch, hợp đồng cụ thể.
Về phía Công ty Cổ phần SAHABAK cần chủ động tạo vùng nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất, chế biến gỗ của đơn vị, trong đó cần tập trung tuyên truyền, vận động gắn với những cơ chế hợp lý cho người dân. Về phía tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, quan tâm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp; tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị yên tâm đầu tư mở rộng diện tích rừng trồng, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất, chế biến gỗ của đơn vị./.
Anh Thúy