Lặng thầm chiến sĩ Trường Sa

Mặc dù công việc luôn vất vả, điều kiện sinh hoạt còn một số hạn chế, nhưng khi trò chuyện, đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm các chiến sĩ nơi đây mới thấu hiểu được những hy sinh thầm lặng mà các anh luôn giữ cho riêng mình. Các anh gạt sang tất cả những hy sinh cá nhân, tất cả vì nhiệm vụ, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Con trai yêu quý! Khi bà nội báo tin con cất tiếng khóc chào đời, nỗi nhớ da diết thôi thúc bố lần đầu tiên viết nhật ký cho hai mẹ con. Nhớ lắm, nhớ hai mẹ con lắm! Khi con chưa lọt lòng, nơi đảo xa, đêm nào qua mẹ, hai bố con ta cũng trò chuyện với nhau rồi con cựa quậy, con đạp… Bố biết, trong bụng mẹ, con luôn nghe và thấu hiểu những lời bố nói với con…”. Đó là những tình cảm của Trung úy QNCN Nguyễn Văn Cảnh- Nhân viên lái xuồng đảo Đá Thị, quê ở Thanh Miện, Hải Dương dành cho cậu con trai hai tháng tuổi chưa biết mặt trong cuốn nhật ký được cất giữ cẩn thận mà phải “nói khó” mãi anh mới thổ lộ với chúng tôi. Anh Cảnh nhớ lại, thời điểm anh lên đường ra công tác ở đảo Đá Thị, vợ anh đang mang bầu 3 tháng. Gửi gắm vợ con cho hai bên nội ngoại, anh chỉ biết động viên, an ủi chị, bởi anh biết rằng, ngày vợ “vượt cạn”, mình sẽ không ở bên cạnh. Khi được tin ở nhà “mẹ tròn con vuông”, anh hạnh phúc lắm, ôm chầm lấy anh em trên đảo mà hét lên trong niềm sung sướng. Cả đơn vị chung vui với anh bằng những lời chúc mừng thắm tình đồng đội. Bản thân anh luôn thầm cảm ơn người vợ yêu dấu, dù sắp sinh nhưng vì công việc chung, vì sự bình yên của Tổ quốc luôn động viên chồng yên tâm công tác, ở nhà mọi việc sẽ tự lo liệu được. Có lẽ phải hiểu, phải yêu thương chồng nhiều lắm, vợ anh Cảnh mới mạnh mẽ, kiên cường được như vậy!

Chiến sĩ đảo Sinh Tồn hoa tiêu cho xuồng cập cầu cảng.
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn hoa tiêu cho xuồng cập cầu cảng.

Còn với Đại úy Nguyễn Văn Cường- Đảo trưởng đảo đá Cô Lin, quê ở Thanh Chương, Nghệ An cho biết, vợ con anh hiện nay sinh sống tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Anh đang thực sự háo hức, mong chờ sớm được về đất liền để gặp cô con gái mới sinh. Hai người con của anh khi sinh ra, anh đều không có điều kiện ở bên khi đang phải thực hiện nhiệm vụ. Anh Cường cho hay, trước khi nhận công tác ở đảo Cô Lin, vợ chồng anh đã có một bé trai hơn 2 tuổi. Ra đảo nhận nhiệm vụ công tác được khoảng 3 tuần, anh nhận được “tin vui” từ thông báo của vợ. Khi biết tin vợ hạ sinh một bé gái kháu khỉnh trong niềm mong mỏi vô bờ bến của cả gia đình, anh không kìm nổi cảm xúc. “Khi biết vợ sinh bé khỏe mạnh, bình an, mình vui lắm, chỉ biết chia sẻ với đồng đội. Do điều kiện thông tin, mình vẫn chưa biết mặt con. Công tác ở Trường Sa nhiều năm, ra đảo, về bờ nhiều lần nhưng chuyến về đất liền tới đây có ý nghĩa thực sự đặc biệt với bản thân mình”. Anh Cường tâm sự.

Có lẽ với những chiến sĩ có thâm niên công tác ở Trường Sa sẽ ít nhất một lần hay tin vợ sinh con nơi đảo xa. Trường hợp “người bố chưa biết mặt con” gần đây nhất có lẽ là Trung úy QNCN Mai Văn Thịnh, Nhân viên Thông tin đảo Tiên Nữ, quê ở Hà Trung, Thanh Hóa. Anh Thịnh nhận được tin vợ sinh khi đang trong ca trực thông tin. Hay trường hợp Trung úy QNCN Hoàng Văn Hiệu, Trưởng xuồng đảo Tiên Nữ, quê ở Hải Phòng nhận được tin vợ “vượt cạn” thành công cách đây một tháng khi đang cùng xuồng vượt sóng lớn chở đoàn công tác cùng hàng hóa vào đảo. Đặt chân lên 10 đảo và điểm đảo, chia sẻ với những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ nơi đảo xa, chúng tôi hiểu rằng đã, đang và sẽ còn nhiều “những người bố chưa biết mặt con” trên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Không dao động tư tưởng, không xen lẫn tình cảm riêng tư trong công việc, nhiệm vụ là tinh thần chung của họ. Vui vẻ, chia sẻ những nỗi niềm sâu kín trong lòng, nhưng các anh vẫn tự nhủ, so với thế hệ cha anh đi trước, những vất vả, hy sinh đời thường của các anh chưa thấm gì. Là chiến sĩ Hải quân nhận nhiệm vụ ra bảo vệ chủ quyền biển đảo là vinh dự và trách nhiệm, các anh nguyện sẵn sàng “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Chiến sĩ đảo Sinh Tồn bàn giao ca trực.
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn bàn giao ca trực.

Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, đúng là cha ông ta gian khổ hơn nhiều, nhưng so với ngày nay, điều kiện công việc, sinh hoạt của các anh vẫn rất cần được cải thiện nhiều hơn nữa. Viết những dòng “tâm sự” từ cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng tôi thêm thấu hiểu về những hy sinh lặng thầm, thêm góc nhìn về tâm tư, tình cảm của những người lính đảo. Sóng gió Trường Sa đã trui rèn nên bản lĩnh người lính đảo, những người vì biển đảo quê hương, vì hạnh phúc của vợ con nơi quê nhà mà tạm gác lại nỗi niềm riêng tư để những cánh sóng thông tin vươn xa mãi giữa trùng khơi, những chuyến xuồng an toàn ra vào đảo… Họ xứng đáng trở thành những cột mốc sống, bức tường thành vững chắc trên quần đảo thân thương của Tổ quốc./.

Theo dangcongsan.vn

Xem thêm