Làng nghề miến dong Côn Minh: Giữ gìn và phát huy thương hiệu

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Những sợi miến thơm ngon nức tiếng của đồng bào vùng cao xã Côn Minh (Na Rì) đã theo chân du khách đi khắp muôn nơi. Đây cũng là địa phương duy nhất của tỉnh Bắc Kạn vừa được công nhận Làng nghề.

Sản phẩm miến tráng tay của "Làng nghề Miến dong Côn Minh" ngày càng được ưa chuộng.

Sản phẩm miến tráng tay của "Làng nghề Miến dong Côn Minh" ngày càng được ưa chuộng.

Video hoạt động sản xuất miến dong tại Côn Minh.

Tự hào miến dong Côn Minh

Dù không còn nhộn nhịp như trước Tết nhưng về Côn Minh dịp này, du khách vẫn được thấy quy trình sản xuất và cảm nhận vị riêng của những sợi miến làm từ củ dong riềng chất lượng. Chúng tôi ghé thăm nhà ông Lộc Văn Thắng, thôn Bản Cào, người có thâm niên trong trồng, chế biến miến dong để nghe ông kể chuyện nghề. Theo chia sẻ của ông Thắng, cây dong riềng có mặt tại Côn Minh đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Lúc đầu dong riềng được đưa vào trồng với diện tích nhỏ lẻ, sau đó tăng dần lên và mở rộng trên phạm vi toàn xã.

Miến dong Côn Minh được làm từ những củ dong riềng luôn bảo đảm chất lượng.

Miến dong Côn Minh được làm từ những củ dong riềng luôn bảo đảm chất lượng.

Ông Thắng tự hào: “Miến dong Côn Minh đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn, được xuất bán tận châu Âu. Trồng dong riềng và chế biến miến dong không chỉ là sinh kế mang lại ấm no cho nhiều hộ dân mà nó còn là nét văn hóa ẩm thực đầy tự hào của người dân nơi đây”.

Với gần 20 cơ sở và hơn 150 hộ cá thể chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong, du khách lên đồi sẽ gặp vạt dong riềng xanh mướt, bước chân vào làng sẽ tận thấy cảnh nhộn nhịp làm miến. Đặc biệt còn được đồng bào nơi đây thiết đãi các món ngon làm từ miến dong và được chia sẻ bí quyết tạo sợi miến nức tiếng.

“Để chế biến ra sản phẩm miến ngon, ngay từ khâu lựa chọn củ dong khi đưa vào chế biến quy trình sản xuất đã phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Người thợ phải có kinh nghiệm trong các công đoạn chế biến, việc chế biến miến chỉ làm được vào những ngày khô ráo, có nắng để cán bánh và phơi miến được đảm bảo”- chị Lộc Thị Quế, thôn Bản Cào chia sẻ.

Phát huy thương hiệu “Làng nghề”

Có sản phẩm đạt OCOP 5 sao xuất bán thị trường nước ngoài, đồng thời được công nhận là làng nghề đầu tiên của tỉnh đã nâng tầm thương hiệu miến dong Côn Minh và mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho địa phương. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng. Làng sản xuất miến dong Côn Minh được thực hiện trên địa bàn 4 thôn: Chợ B, Nà Làng, Bản Cuôn, Bản Cào. Tại các thôn này có 49 hộ tham gia sản xuất miến dong thường xuyên. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây ổn định, đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.

Nghề làm miến dong mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều nông hộ ở Côn Minh.

Nghề làm miến dong mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều nông hộ ở Côn Minh.

Ông Nông Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Côn Minh.

Trưởng thôn Bản Cào, chị Lộc Thị Thuyết cho biết: "Đầu năm 2024, người dân trong xã được hưởng "niềm vui kép" khi giá bán củ dong riềng, miến dong tăng cao, nghề làm miến dong được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Bà con xem đây là niềm tự hào, đồng thời cũng tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy thương hiệu “Làng nghề miến dong Côn Minh”.

Quyết định của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc công nhận Làng nghề miến dong Côn Minh.

Quyết định của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc công nhận Làng nghề miến dong Côn Minh.

Nói về ý nghĩa việc được công nhận là làng nghề, Bí thư Đảng ủy xã Côn Minh, đồng chí Nông Thị Sen cho biết: "Quyết định của UBND tỉnh công nhận “Làng nghề miến dong Côn Minh” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh, cũng như người dân địa phương. Không chỉ là vấn đề thương hiệu được nâng tầm, giúp việc đăng ký quản lý truy xuất nguồn gốc xuất xứ tốt hơn mà còn giúp tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, phát triển nghề một cách bền vững. Việc được công nhận là làng nghề đã khó, giữ gìn và phát huy thương hiệu làng nghề chắc chắn có nhiều khó khăn, đòi hỏi nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương./.

Xem thêm