Thi đua yêu nước:

Làm giàu từ rừng

Anh Quản Trọng Quỳnh, thôn Đon Liên, xã Bình Trung (Chợ Đồn) có diện tích rừng lớn nhất địa bàn xã. Nhờ vào bàn tay, khối óc và tinh thần vươn lên trong lao động, sản xuất, giờ đây anh đã có cuộc sống khấm khá. Năm 2020 anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Anh Quản Trọng Quỳnh bên cạnh đồi quế hơn 1 năm tuổi
Anh Quản Trọng Quỳnh bên cạnh đồi quế hơn 1 năm tuổi

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, sau nhiều năm bôn ba, anh Quỳnh đã chọn mảnh đất Bình Trung để lập thân, lập nghiệp. Công việc ban đầu của anh là làm dịch vụ xe khách, rồi chuyển sang chăn nuôi, tuy nhiên nhận thấy tiềm năng của địa phương là rừng, anh đã chọn đầu tư trồng rừng để làm sinh kế lâu dài. Anh lý giải: “Tôi nhận thấy ở đây diện tích đất rừng bỏ không lớn, nhiều nơi cây mọc hoang hóa, chưa hình thành những vùng có giá trị kinh tế cao, người dân chưa biết cách đầu tư bài bản. Hơn nữa, nhu cầu về chế biến lâm sản, phát triển cây dược liệu cũng rất triển vọng, vì vậy tôi đã mạnh dạn đầu tư vào rừng, coi đó như một tài sản cho tương lai”. 

Với tiềm năng sẵn có của địa phương cùng sự quyết tâm, năm 2013 anh Quỳnh bắt tay vào trồng rừng. Với tư duy “lấy ngắn nuôi dài”, tiền dành dụm được anh đều đầu tư vào rừng, mỗi năm tăng lên một chút. Từ chỗ chỉ có khoảng 10ha, đến nay sau gần 10 năm anh đã có 42ha đất đồi rừng, trong đó khoảng 34ha đã trồng các loại cây như quế, mỡ, keo.

Rừng trồng của gia đình anh Quỳnh đều ở những thôn vùng xa, có 2 khu riêng biệt, một khu tại thôn Khuổi Đẩy (xã Bình Trung), một khu thuộc thôn Nà Cà (xã Nghĩa Tá). Để tiện cho việc chăm sóc, vận chuyển, anh Quỳnh đầu tư mở đường lâm nghiệp, mỗi năm bỏ ra 60 triệu đồng tiền thuê người bản địa trông coi, chăm sóc, nhờ đó đã hạn chế phần nào tình trạng mất trộm gỗ, giá trị từ rừng vì thế cũng được nâng lên.

Anh Quỳnh còn đầu tư vườn ươm cây giống, tăng thu nhập.
Anh Quỳnh còn đầu tư vườn ươm cây giống, tăng thu nhập.

Qua tính toán, khoảng 5-7 năm tới, nhiều diện tích rừng của anh sẽ bước vào tuổi khai thác, việc cầm chắc tiền tỷ trong tay cũng không còn xa. Không chỉ chuyên tâm vào trồng rừng, anh Quỳnh còn đầu tư vườn ươm cây giống, bình quân mỗi năm xuất bán khoảng 60 vạn cây, chủ yếu phục vụ bà con trong và ngoài xã. Ngoài ra anh còn đầu tư chăn nuôi trâu bằng cách “ký gửi” vật nuôi cho các hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng thiếu vốn, lợi nhuận thu về chia đôi. Bằng hình thức đó, anh đã giúp cho một số hộ dân có cơ hội thoát nghèo.

Với kinh nghiệm có được trong sản xuất, nhiều năm qua anh Quỳnh đã phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho 18 lao động, giúp đỡ cho 26 lao động có việc làm thường xuyên; cung ứng cây giống, đầu tư trâu sinh sản cho 13 lượt hộ gặp khó khăn về vốn, giúp các hộ vươn lên trong cuộc sống. Qua hạch toán năm vừa qua từ trồng rừng, ươm cây, chăn nuôi và dịch vụ khác, anh Quỳnh có doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí thu về khoảng 700 triệu đồng. 

Là hội viên nông dân thôn Đon Liên, anh còn tích cực tham gia vào công tác Hội và phong trào xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo có ý chí vươn lên. Chia sẻ về việc làm kinh tế giỏi, anh Quỳnh khiêm tốn: “Chỉ cần mình không ngại khó, ngại khổ, siêng năng, biết tính toán khoa học, nắm thời cơ, không sợ thất bại và luôn tâm huyết thì chắc chắn sẽ thu về trái ngọt”.

Đồng chí Bàn Văn Hiền- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Anh Quỳnh là một điểm sáng trong lao động sản xuất tại địa phương bằng khả năng tự vươn lên. Không những vậy, anh còn giúp đỡ được nhiều hộ khó khăn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Cách làm kinh tế của gia đình anh Quỳnh đã góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế rừng ở địa phương, trở thành mô hình rất đáng để bà con học tập”./.

Thu Trang

Xem thêm