Kỳ vọng từ nhà máy chế biến nông sản

Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 2 năm, nhưng Nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Bảo trì và xây dựng công trình Việt Bắc, xây dựng tại xã Hà Hiệu đã nhanh chóng trở thành địa chỉ thu mua nông sản tin cậy cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 2 năm, nhưng Nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Bảo trì và xây dựng công trình Việt Bắc, xây dựng tại xã Hà Hiệu đã nhanh chóng trở thành địa chỉ thu mua nông sản tin cậy cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể.

Hệ thống lò sấy công nghiệp gồm đầu lò, động cơ quạt hút thổi nhiệt vào sàn sấy.
Hệ thống lò sấy công nghiệp gồm đầu lò, động cơ quạt hút thổi nhiệt vào sàn sấy.

Sau gần 2 năm xây dựng, lắp đặt, vận hành, với công suất 17.500 tấn nguyên liệu/năm, sản phẩm nguyên liệu đầu vào của Nhà máy là các loại nông sản như: ngô, sắn, đậu, đỗ… Đến nay, Công ty đã nỗ lực đấy mạnh hoạt động kinh doanh, tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Hoạt động của Nhà máy đã góp phần nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu nông sản của địa phương; hạn chế tình trạng thất thoát trong khâu bảo quản; đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó giúp người dân có thu nhập tốt, ổn định cuộc sống.
 


Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đắc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Bảo trì và xây dựng công trình Việt Bắc cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có cơ sở chế biến nông sản quy mô, trong khi nguồn nguyên liệu ở tỉnh Bắc Kạn rất dồi dào. Với tổng giá trị đầu tư trên 14 tỷ 685 triệu đồng, nhà máy gồm các hạng mục: Nhà điều hành; kho chứa sản phẩm; nhà ở cho công nhân; 02 nhà sấy; sân bê tông; hệ thống điện 3 pha; hệ thống cấp thoát nước, trạm cân điện tử 60 tấn... đáp ứng tốt việc tiêu thụ nông sản trong vùng. Nguyên liệu nông sản sau khi thu hoạch được nhà máy thu mua theo giá cả thị trường. Nông sản sau thu thu mua về được làm sạch, xử lý kích cỡ tùy chủng loại sau đó được sấy khô, đóng gói. Sau khi được xử lý, nông sản có thể được bảo quản đạt chất lượng tốt trong vòng một năm.


Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty dự kiến sẽ mở rộng thu mua tại các  địa phương khác như: Huyện Pác Nặm; Ngân Sơn, Bạch Thông, Na Rì và huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng. Để thực hiện kế hoạch này, Công ty đang triển khai đàm phán và ký kết với chính quyền địa phương và người dân để mở rộng vùng nguyên liệu; xây dựng mạng lưới thu gom nông sản tại các địa phương…

 

Sắn được sấy khô trên sàn bằng công nghệ quạt hút thổi nhiệt.
Sắn được sấy khô trên sàn bằng công nghệ quạt hút thổi nhiệt.


Ông Đàm Văn Khoát, Bí thư Đảng ủy xã Hà Hiệu phấn khởi cho biết: Nhà máy đi vào hoạt động đã thực sự tạo thuận lợi cho người dân địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản một cách ổn định, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động dôi dư, giúp địa phương có thêm cơ hội giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện nay, các sản phẩm nông sản như sắn, ngô, đỗ… người dân trồng được bao nhiêu đều được nhà máy thu bấy nhiêu, giá cả đảm bảo theo mặt bằng của thị trường, không có chuyện ép giá. Lãnh đạo và bà con nhân dân địa phương rất kỳ vọng nhà máy sẽ là điểm đến tin cậy, giúp nông dân xã Hà Hiệu nói riêng và những địa phương khác nói chung có nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định, để bà con có chí hướng nỗ lực sản xuất, thoát nghèo bền vững.


Chị Nông Thị Vọng, một nông dân ở thôn Nà Vài, xã Hà Hiệu cho biết: Những năm trước đây, gia đình chỉ trồng một ít sắn để chăn lợn vì trồng nhiều không bán được. Đến năm 2011, khi nhà máy bắt đầu được xây dựng, gia đình chị đã trồng 1ha sắn, thu về một khoản tiền đáng kể.


Mặc dù mới chính thức đưa vào vận hành sản xuất, nhưng đến nay công ty đã ký kết được với một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên... Nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động, là sự kỳ vọng bấy lâu của người dân trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giải quyết việc gặp rủi ro trong quá trình cất giữ nông sản do thời tiết, mối mọt, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Tùng Vân

Xem thêm