Ký ức về những lần gặp Bác

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Cụ bà Đồng Thị Hạnh (phu nhân nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Kạn Hoàng Mỹ Đức) là em gái của liệt sĩ Đồng Văn Bằng, một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên. Năm Giáp Thìn này bà đã bước sang tuổi 98, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm...
Đại biểu chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Tự trị Việt Bắc ngày 08/6/1959 (Trong ảnh: Bà Đồng Thị Hạnh, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đứng hàng đầu, thứ 2 từ trái sang).

Đại biểu chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Tự trị Việt Bắc ngày 08/6/1959 (Trong ảnh: Bà Đồng Thị Hạnh, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đứng hàng đầu, thứ 2 từ trái sang).

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về “xây dựng những con đường quần chúng” để nối liền hai trung tâm căn cứ địa cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai; đồng thời, thực hiện quyết định của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng về công tác Nam tiến, đầu năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập “Đội xung phong Minh Khai” gồm 5 phụ nữ do đồng chí Tự Quyết làm Đội trưởng, về Ngân Sơn tìm cách gây dựng và phát triển phong trào.

Hoạt động tích cực của Đội Minh Khai tại các xã: Thượng Ân, Cốc Đán, Vân Tùng đã giúp Việt Minh bám rễ chắc chắn trong Nhân dân. Nhiều quần chúng được giác ngộ và kết nạp vào Hội Cứu quốc, trong đó có hai anh em Đồng Văn Bằng, Đồng Thị Hạnh ở xóm Nà Pán (nay thuộc thôn Bản Luộc, xã Thượng Ân); lúc tham gia cách mạng bà mới 15 tuổi (sinh năm 1927).

Bà Đồng Thị Hạnh kể lại: Mặc dù còn nhỏ tuổi, và với bí danh Kim Tinh do đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) đặt cho, bà đã tích cực tham gia hoạt động của đội tuyên truyền bí mật do đồng chí Nông Quốc Chấn và Việt Tước chỉ huy. Từ Ngân Sơn, bà cùng tổ công tác Nam tiến được cử đi xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng thấp tại các xã thuộc huyện Bạch Thông. Dù thường xuyên chịu đựng gian khổ, ăn đói, mặc rét trong tình trạng thực dân Pháp và tay sai tăng cường khủng bố dã man đối với cách mạng, nhưng tinh thần cách mạng của bà không nao núng.

Ngày 11/5/1945, Bác Hồ và đoàn công tác đến Hoàng Phài, xã Lê Lợi (nay là xã Cốc Đán) trong hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào, do cũng đang hoạt động ở địa bàn này, bà đã được gặp Bác. Bà nhớ hôm đó, Bác căn dặn cán bộ ở đây, đại ý chúng ta phải tận dụng mọi lực lượng để phục vụ cách mạng, theo tinh thần: “Gỗ cong dùng vào việc cong, gỗ thẳng dùng vào việc thẳng”, đồng thời Bác cũng phê bình việc xã thịt một con lợn to để đón tiếp đoàn là lãng phí.

Từ năm 1946 đến năm 1949, bà tham gia Ban Chấp hành Phụ nữ huyện Ngân Sơn rồi Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn và được kết nạp vào Đảng. Thời gian này, phong trào phụ nữ phát triển mạnh dần lên từ cấp tỉnh đến cấp xã, do đó phụ nữ nhận thức được rằng vào Hội được đi hội họp, học tập và thấy ai ai cũng vào Việt Minh nên có đến 90% phụ nữ gồm đủ các thành phần dân tộc tham gia vào Hội. Phụ nữ Bắc Kạn tích cực tham gia vào du kích, tự vệ và học chữ. Trong các năm 1947-1948, có 1.612 chị em tham gia công tác phục vụ, như gói bánh chưng, gánh gạo nếp, đóng góp tiền... ủng hộ bộ đội và thương binh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân chụp ảnh cùng vợ chồng bà Đồng Thị Hạnh năm 2000.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân chụp ảnh cùng vợ chồng bà Đồng Thị Hạnh năm 2000.

Từ năm 1950 đến năm 1957, bà tham gia nhiều công tác khác ở tỉnh Bắc Giang, trong đó từng giữ chức vụ Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Năm 1958, bà Đồng Thị Hạnh được điều động trở lại Bắc Kạn với cương vị Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho tới năm 1965.

Ở giai đoạn này, bà đã có nhiều đóng góp cho phong trào phụ nữ của tỉnh. Những năm đó, nhìn chung, phụ nữ là lực lượng trực tiếp lao động sản xuất, nhất là trong công cuộc cải tạo và phát triển sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng những năm 1959-1960, hơn 20.000 chị em đã tham gia các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, số công lao động của phụ nữ chiếm trên 70%.

Đến năm 1960, hầu hết các Ban quản trị đều có phụ nữ tham gia. Ở một số nơi, phụ nữ nêu khẩu hiệu “Ruộng không có phân thì phụ nữ không cấy”, nhờ đó đã thúc đẩy phong trào làm phân và sử dụng phân. Năm 1964, phụ nữ đóng góp số ngày công khá lớn, chiếm 60%-70% số công phát triển sản xuất và chăn nuôi. Đầu năm 1965, Bắc Kạn có hàng vạn phụ nữ học tập, đăng ký và đạt danh hiệu “Ba đảm đang”; có hàng ngàn chị em hăng hái tham gia dân quân tự vệ, luyện tập quân sự để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu…

Ông Hoàng Mỹ Đức, bà Đồng Thị Hạnh chụp ảnh cùng các con cháu năm 2004.

Ông Hoàng Mỹ Đức, bà Đồng Thị Hạnh chụp ảnh cùng các con cháu năm 2004.

Ngày 08/6/1959, khi đi dự Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, bà vui sướng được gặp Bác lần nữa và vinh dự được chụp ảnh với Người. Ở hội nghị này, Bác khẳng định: “Việt Bắc là “rừng vàng, núi bạc”. Rừng vàng vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa. Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng. Núi bạc vì núi non Việt Bắc có nhiều quặng, có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế...”. Bác còn căn dặn: “Cần chú ý kết nạp đảng viên các dân tộc và nữ đảng viên để mở rộng hàng ngũ Đảng”[1]

Sau khi sáp nhập tỉnh Bắc Thái, bà vẫn tiếp tục gắn bó với công tác lãnh đạo phong trào phụ nữ ở tỉnh và Khu Tự trị và cho tới lúc nghỉ hưu vào năm 1975.

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, bà đã được công nhận là người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 (cán bộ Lão thành cách mạng), được tặng Bằng Có công với nước, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Với bà, những lần gặp và lời dạy bảo của Bác đã đi theo suốt cuộc đời, nhắc nhở bà và mọi người sống sao cho xứng đáng với lời dạy của Người./.

[1] Bài nói tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc (Hồ Chí Minh toàn tập-tập 12, tr.231)

Xem thêm