Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Bắc Kạn nhằm làm cơ sở, căn cứ pháp lý cho các cấp chính quyền điều hành công tác quản lý, phát triển nhà ở, chủ động giải quyết vấn đề nhà ở, dự báo nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là các đối tượng xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn; hoạch định việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, bệnh viện, nước sạch...đáp ứng nhu cầu của người dân.
Kỳ I: Thực trạng nhà ở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh thực hiện khá tốt các chính sách nhà ở cho các đối tượng là đồng bào dân tộc, người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội góp phần cải thiện nhà ở cho một bộ phận dân cư, khuyến khích và huy động được nguồn lực của các thành phần trong xã hội tham gia phát triển nhà ở. Tuy nhiên, công tác quản lý, phát triển nhà ở tỉnh Bắc Kạn vẫn còn một số nhược điểm như chưa đảm bảo khai thác hiệu quả tiềm năng tư đất đai, thiếu quy hoạch, tài chính nên phát triển kinh tế còn hạn chế; vai trò kích cầu kinh tế kết hợp với chỉnh trang đô thị thông qua phát triển nhà ở chưa phát huy tác dụng; công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhà ở chưa được chú trọng…
Theo số liệu thống kê thì đến cuối năm 2012, tổng số nhà ở trên toàn tỉnh là 81.047 nhà, trong đó khu vực đô thị có 16.653 căn nhà, chiếm tỷ lệ 20,54%; khu vực nông thôn có 64.394 căn nhà, chiếm tỷ lệ 79,46%, diện tích nhà ở bình quân đạt gần 80m2/hộ. Số liệu thống kê trên cho thấy sự chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị là không nhiều (thành thị 80,6m2/hộ; nông thôn 79,8m2/hộ). Tuy nhiên, diện tích bình quân theo nhân khẩu lại chênh lệch cao (thành thị 26,2m2/người; nông thôn mới đạt 20,5m2/người) do số người trung bình ở trong một căn nhà ở khu vực nông thôn lớn hơn khu vực thành thị. Tiêu chí phân loại nhà được phân loại theo kết cấu vật liệu chính như nhà ở kiên cố là nhà có 3 thành phần cột, tường, mái được xây dựng bằng vật liệu bền chắc; Nhà bán kiên cố có 2 trong 3 thành phần trên bằng vật liệu bên chắc; nhà thiếu kiên cố là nhà chỉ có 1 thành phần bằng vật liệu bền chắc và nhà đơn sơ là nhà cả 3 thành phần trên không được xây dựng bằng vật liệu bền chắc. Căn cứ theo tiêu chí phân loại nhà thì theo số liệu thống kê năm 2009 trên địa bàn tỉnh tỷ lệ nhà kiên cố chiếm 24,83%; nhà ở bán kiên cố chiếm tỷ lệ 33,25%; nhà thiếu kiên cố chiếm tỷ lệ 22,5% và nhà đơn sơ chiếm 17,65%. Tới năm 2012, qua khảo sát thực trạng nhà ở tỷ lệ nhà ở bán kiên cố, thiếu kiên cố tăng rõ rệt, nhà ở đơn sơ giảm sâu xuống chỉ còn 9%. Sự chuyển biến tích cực trên được đánh giá là đời sống của người dân được nâng cao, cùng với đó, các chế độ chính sách của nhà nước hỗ trợ người dân về đất ở, nhà ở đã góp phần ổn định được cuộc sống của người dân.
Mặc dù nhà ở dân cư có chiều hướng phát triển tốt nhưng thực trạng tại hầu hết các địa phương là phát triển không theo quy hoạch, chất lượng nhà ở không đồng đều. Tại các khu vực trung tâm các thị trấn, thị tứ rất dễ nhận thấy nhà ở người dân phát triển dọc theo tuyến đường, không theo quy hoạch nào, nhiều nhà cao tầng hiện đại xen giữa những ngôi nhà đã có thời gian sử dụng đã lâu. Còn tại các khu vực nông thôn, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, hệ thống giao thông, thương mại, dịch vụ thấp hơn so với mặt bằng chung nên nhà ở của người dân có chất lượng không cao, đa phần là thiếu kiên cố.
Đối với nhóm nhà ở của các đối tượng xã hội thì khó khăn nhất là nhà ở cho họ nghèo vì các đối tượng này sinh sống ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn hạ tầng cơ sở còn thấp kém nên hầu hết là nhà đơn sơ không tính được tuổi thọ công trình và phải chịu nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, triển khai thực hiện Quyết định 134 và 167 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã có 8.601 hộ được xóa nhà tranh, tre dột nát để chuyển sang nhà kiên cố theo tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng) với tổng số tiền lên tới 66 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn. Đối với đối tượng là học sinh, sinh viên đang theo học tại 4 trường cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn thì chỉ có 748/2.796 em được ở ký túc xá. Tuy nhiên, hệ thống ký túc xá cũng đã xuống cấp nghiêm trọng rất cần được xây mới. Số học sinh, sinh viên còn lại phải đi thuê nhà để trọ học. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hàng nghìn học sinh các cấp bao gồm cả công lập và dân lập phải trọ học ở địa bàn xã, cụm xã trong những căn nhà lá tạm bợ rách nát, không có điện, nước sinh hoạt phải đi xin…điều kiện học tập rất khó khăn, an ninh không được bảo đảm, chính những nhu cầu cấp thiết trên, tỉnh ta đã triển khai Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.../.
Quý Phúc