Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sáng 06/01, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ số 3 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hà Giang, Gia Lai, Ninh Thuận.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân đề nghị có định hướng phát triển cụ thể, phù hợp với lợi thế riêng của từng vùng miền.Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân đề nghị có định hướng phát triển cụ thể, phù hợp với lợi thế riêng của từng vùng miền.

Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Tham gia thảo luận việc Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân đề nghị xem xét bổ sung một số nội dung cho phù hợp. Đại biểu đề nghị cần phải đánh giá kỹ lưỡng, có chính sách phù hợp và có nguồn lực đầu tư lớn đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng miền núi giúp hạ tầng giao thông được thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng này. Liên quan đến phát triển vùng động lực quốc gia, đại biểu đề nghị cần đánh giá cụ thể về các nguồn lực tự nhiên, nhân lực tại các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ để có định hướng phát triển cụ thể, phù hợp với lợi thế riêng của từng vùng; về quan điểm tổ chức không gian phát triển, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các nội dung nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu để đảm bảo tính thống nhất (theo hồ sơ trình Quốc hội, tại mục nhiệm vụ trọng tâm thì hình thành cơ bản khung kết cấu hạ tầng, tại nội dung mục tiêu chỉ tiêu chỉ ghi chung: Hạ tầng đô thị, năng lượng, CNTT, nhưng không có hạ tầng nông thôn, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu; tại mục 3 dự thảo Nghị quyết có đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, tuy nhiên nội dung nhiệm vụ lại không có nội dung này).

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cần nghiên cứu đánh giá về nguồn nhân lực (con người) và bổ sung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, vì đây là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, cần có định hướng phát triển, chính sách giáo dục, đào tạo phù hợp đối với nguồn lực này.

Về phát triển nông nghiệp, đối với các địa phương có diện tích rừng lớn, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị cần có định hướng phát triển gắn với du lịch mạo hiểm, phát triển trồng cây đa mục đích. Đại biểu đề nghị cần bổ sung xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, đây là tuyến đường vừa có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế đối với các tỉnh, đồng thời là tuyến đường có ý nghĩa lịch sử...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chậm trễ gia hạn thời gian lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chậm trễ gia hạn thời gian lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Về thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đồng tình với các nội dung hạn chế, vướng mắc đã được chỉ ra trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần có đánh giá phù hợp hơn với bối cảnh dịch bệnh xảy ra; đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng kết cần cụ thể hơn đối với nội dung việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch còn chậm, chưa kịp thời, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện trong thời gian tới, nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra.

Đối với nội dung xin gia hạn thời gian lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, đại biểu Thủy thể hiện quan điểm đồng tình với đề xuất này của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc chậm trễ này là do quy định của pháp luật hay do quá trình tổ chức thực hiện luật để có những giải pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện xin gia hạn lưu hành đến 31/12/2024, tuy nhiên Luật Dược dự kiến sẽ được đề xuất Quốc hội cho ý kiến năm 2025, như vậy sẽ xuất hiện khoảng trống về thời hạn lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Đây là nội dung đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu và đánh giá kỹ./.

Triệu Tuyên

Xem thêm