Bắc Kạn: Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển

​​​​​​​Kỳ 2 - Nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư

Bắc Kạn có nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh định hướng và mong muốn các nhà đầu tư quan tâm đến một số lĩnh vực như: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, lĩnh vực dịch vụ - du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất và phân phối điện...Hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư đến với Bắc Kạn

Tiềm năng về du lịch

Điểm nhấn trong du lịch Bắc Kạn là hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích 500ha, nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể với trên 20 điểm tham quan. Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới, được Chính phủ công nhận là Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt, đây cũng là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn.

Du khách thăm quan tại sự kiện Sắc thu Hồ Ba Bể
Du khách tham quan tại sự kiện "Sắc thu Hồ Ba Bể"

Với đặc thù là tỉnh miền núi, cấu tạo địa chất đặc biệt với những dãy núi đá vôi điển hình đã tạo cho Bắc Kạn nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú với nhiều hang động, thác ghềnh, hồ nước đẹp trải dài khắp các địa phương như: Động Puông, động Hua Mạ, động Nà Phoòng, thác Đầu Đẳng, thác Bản Vàng (Ba Bể); động Nàng Tiên, thác Nà Đăng (Na Rì); thác Nà Khoang (Ngân Sơn); thác Khuổi Đeng (Chợ Mới); thác Bạc, động Áng Toòng (thành phố Bắc Kạn)... Diện tích hang động có nơi rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông, với những nhũ đá, cột đá hình thù sinh động, độc đáo.

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên hấp dẫn, Bắc Kạn cũng có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú như phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao...; các bản nhà sàn bên sườn núi, ven sông hồ; những làn điệu hát Then, đàn Tính, sli, lượn mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách.

 

Bắc Kạn còn là quê hương cách mạng với các di tích lịch sử cách mạng thuộc khu ATK huyện Chợ Đồn đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; di tích Nà Tu, di tích Đồn Phủ Thông, di tích chiến thắng Đèo Giàng (Bạch Thông)… là những di tích lịch sử mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, của quân đội và Nhân dân Bắc Kạn. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển loại hình du lịch lịch sử của địa phương.

Tiềm năng về nông – lâm nghiệp

Với tổng diện tích hơn 413.000ha đất lâm nghiệp, hơn 44.000ha đất nông nghiệp, Bắc Kạn có lợi thế, tiềm năng lớn về phát triển nông - lâm nghiệp. Để phát huy lợi thế này, ngày 26/4/2016, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.

Du lịch trải nghiệm tại HTX Yến Dương (Ba Bể)
Du lịch trải nghiệm tại HTX Yến Dương (Ba Bể).

Sau 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020) triển khai thực hiện, cơ bản các mục tiêu của Nghị quyết đều đạt và vượt, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, giá trị sản xuất được nâng lên rõ rệt. Bắc Kạn trở thành điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp và thực hiện Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP). Tỉnh trồng mới được hơn 32.000ha rừng, trong đó có hơn 17.000ha rừng cây gỗ lớn, có gần 1.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, giá trị gia tăng trong sản xuất thấp, quy mô vẫn nhỏ lẻ, thiếu ổn định, chậm phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản... Do vậy, để phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững, ngày 22/4/2021, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TU về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Hướng chủ đạo được xác định là phát triển sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, đổi mới quan hệ sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị. Ðiểm mới nữa là tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển nông - lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm đặc sản, hữu cơ.

03 trục sản phẩm chủ chốt được tỉnh xác định trong giai đoạn tới, gồm: Trục sản phẩm quốc gia, trục sản phẩm địa phương và trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu. Trục sản phẩm quốc gia tập trung phát triển sản phẩm gỗ, chế biến gỗ và vùng nguyên liệu dược liệu với mục tiêu duy trì 100.000ha rừng, trồng mới 550ha dược liệu. Trục sản phẩm địa phương tập trung trồng 800 - 1.000ha dong riềng, chế biến thành phẩm 4.800 tấn miến/năm; có 7.000ha cây ăn quả, 25 trang trại chăn nuôi. Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu tập trung các cây có giá trị cao, như: Rau, củ, quả, nấm, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo… Các trục sản phẩm được phát triển thông qua chuỗi liên kết lớn theo ngành hàng đã xác định.

Với định hướng cụ thể trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Kạn cùng với môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi sẽ là cơ hội tốt để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh./. (Còn nữa).

Việt Bắc

Xem thêm