Bắc Kạn - Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển

Kỳ 1: Bắc Kạn phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư

Với quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đem đến sự hài lòng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn tỉnh, Bắc Kạn đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Thi công tuyến đường TP. Bắc Kạn đi Ba Bể
Thi công tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể.

Phát triển hạ tầng kết nối

Sau tái lập tỉnh (năm 1997), hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Thống kê năm 2005, toàn tỉnh có 88km đường quốc lộ và 308km đường tỉnh; đường vào trung tâm các xã tỷ lệ được láng nhựa còn thấp và 16 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm.

Nhận thấy cơ sở hạ tầng là một trong những lợi thế thu hút đầu tư, những năm qua, Bắc Kạn đã chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Trên cơ sở những quy hoạch được duyệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các công trình giao thông trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch, các công trình, các trục đường giao thông kết nối những trung tâm kinh tế lớn; giữa tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh trong khu vực Đông Bắc.

Đến nay, mạng lưới giao thông toàn tỉnh phát triển được trên 4.550km đường, gồm 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 459km; 14 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 480km; 01 tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Năng - hồ Ba Bể dài 29,2km; 49 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 462km; 3.120km đường xã, thôn bản; 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã.

Tiếp tục bám sát các mục tiêu trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bắc Kạn đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giải ngân vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Dương Ngọc Thuyết cho biết:
Ông Dương Ngọc Thuyết, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn.

Hiện tại, Bắc Kạn là một trong những tỉnh chưa có đường cao tốc hướng tâm. Do vậy, để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đầu tư, bảo đảm hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc, đồng thời góp phần bảo vệ vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh, phát huy hiệu quả liên kết vùng, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân, UBND hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng, trong giai đoạn 2021 – 2025, với tổng chiều dài khoảng 90km.

Sau khi đầu tư xây dựng, tuyến đường sẽ có quy mô đồng bộ với quy mô tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đây sẽ là tuyến đường hướng tâm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc...      

Chú trọng đầu tư hạ tầng công nghiệp

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, trong Chương trình Xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn 2021 – 2025, Bắc Kạn xác định tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và hạ tầng điện, nước, giao thông kết nối, bảo đảm đồng bộ, thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư.

Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2025 thu hút đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn 1 (73,5ha) và xem xét mở rộng thêm theo quy hoạch (51ha); thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn 2 (80ha). Đến nay Khu Công nghiệp Thanh Bình đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, với 08 dự án hoạt động và có sản phẩm.

Sản xuất gỗ ép tại KCN Thanh Bình (Chợ Mới)
Sản xuất gỗ ép tại KCN Thanh Bình (Chợ Mới).

Ông Liu Xiao Wu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam cho biết: Công ty đã đăng ký hoạt động hơn 3 năm tại Khu Công nghiệp Thanh Bình. Dự án chính là sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác, với vốn điều lệ 180 tỷ đồng. Trước khi triển khai dự án, Công ty đã khảo sát và quyết định chọn KCN Thanh Bình để thực hiện hoạt động đầu tư.

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý các KCN tỉnh thông tin: Định hướng của KCN Thanh Bình là tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến những sản phẩm mà Bắc Kạn có nguyên liệu như: Gỗ, khoáng sản, nông sản; tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, chia sẻ thông tin về KCN, nguồn nguyên liệu chế biến… Đến nay, tại KCN đã có 13 nhà đầu tư đang triển khai dự án với tổng số vốn đăng ký là 5.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất cho thuê là 42,5ha, bằng 100% diện tích đất quy hoạch để xây dựng nhà máy. Các dự án trong KCN đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, dự tính tổng nộp ngân sách hằng năm đạt khoảng 300 - 500 tỷ đồng.

Cùng với việc tiếp tục đầu tư Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II, năm 2014 tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 - 2020, có xét đến năm 2025, gồm 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 490ha. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 06 cụm công nghiệp, trong đó có 04 cụm được đầu tư san lấp mặt bằng từ vốn ngân sách nhà nước và 02 cụm công nghiệp được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách, với tổng diện tích khoảng 150ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương thuận lợi về kết nối giao thông trong tỉnh và với tỉnh, thành phố khác.

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 30/12/2021 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2635/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề ra mục tiêu thu hút khoảng 20 dự án đầu tư mới vào Khu Công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, vốn đăng ký đạt trên 2.150 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đang hoạt động trong Khu Công nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng; không phân biệt đối xử trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực và đẩy mạnh thu hút, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh được phê duyệt, thông báo công khai, rộng rãi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp và các dự án sản xuất, kinh doanh. Sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp. Thực hiện các ưu đãi về đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.../. (Còn nữa).

Việt Bắc

Xem thêm