Khu công nghiệp Thanh Bình mở rộng sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Được xây dựng theo tiêu chí tập trung đa ngành, hiện nay, tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới có 14 doanh nghiệp/nhà đầu tư, trong đó 08 dự án đã hoạt động, 03 dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023, với các sản phẩm như gỗ dán; thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải; bột đá thạch anh, chiết nạp gas.
Hoạt động chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Thanh Bình đang tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp người dân phát triển nghề trồng rừng.

Hoạt động chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Thanh Bình đang tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp người dân phát triển nghề trồng rừng.

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quản lý và đầu tư, ông Hoàng Văn Khởi, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: KCN Thanh Bình có lợi thế rất lớn về giao thông với tuyến đường BOT nối Thái Nguyên với Chợ Mới. KCN đã nhanh chóng được lấp đầy bởi các nhà đầu tư. Hiện nay có trên 30 nhà đầu tư quan tâm, đến đặt vấn đề đầu tư nhà máy tại KCN, trong đó có những dự án nhà máy lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên quỹ đất sạch hiện nay đã hết.

Ban quản lý các KCN đang tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng chiến lược phát triển các cụm công nghiệp. Hiện nay giai đoạn II của KCN về thủ tục đã cơ bản, cũng đã mời gọi được nhà đầu tư theo hướng xã hội hóa. Việc này giúp giảm chi phí gánh nặng tài chính cho tỉnh, mặt khác sẽ lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực.

Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ quy hoạch thêm một số khu công nghiệp mới. Do đó, Ban Quản lý KCN sẽ tập trung kêu gọi tài trợ lập quy hoạch khu công nghiệp để làm cơ sở cho xúc tiến đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp. Hiện nay các KCN đang kêu gọi tài trợ gồm: KCN Chợ Mới 1, diện tích 300ha tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. KCN Chợ Mới 2, diện tích 200ha tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN Thanh Bình đạt hơn 350 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5,5 triệu đô-la Mỹ, tạo việc làm cho 775 người lao động.

Ban quản lý KCN kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất KCN cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 1.000ha. Để đảm bảo cho việc quản lý KCN, việc quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình cũng như hoạt động dịch vụ công ích được chú trọng, như: Cung cấp điện chiếu sáng, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, duy tu bảo dưỡng đường giao thông nội bộ và hoạt động của Trạm xử lý nước thải đảm bảo xanh, sạch, sáng; thực hiện quan trắc định kỳ KCN.

Được biết, Trạm xử lý nước thải của KCN được đưa vào sử dụng năm 2012. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, một số thiết bị máy móc đã hư hỏng. Mặt khác theo quy định mới, KCN cần được đầu tư bổ sung một số hạng mục mới như hệ thống quan trắc tự động. Hiện nay, tiền thu được từ việc xử lý nước thải KCN chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành duy trì xử lý nước thải, không có khoản dôi dư cho đầu tư sửa chữa và nâng cấp.

Trạm xử lý nước thải của KCN cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa.

Trạm xử lý nước thải của KCN cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa.

Lãnh đạo KCN đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện. Nếu không được đầu tư sửa chữa kịp thời, trạm gặp sự cố hoặc xử lý không đạt chuẩn về nước thải sẽ khiến toàn bộ KCN dừng hoạt động, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư...

Hiện nay, một số hoạt động bảo vệ môi trường của khu công nghiệp cần thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên nguồn kinh phí chi cho hoạt động này chưa đáp ứng được, nhất là việc quan trắc môi trường định kỳ, mua sắm phương tiện thu gom rác thải. KCN đề xuất bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Kạn cho hoạt động này. Mặt khác, việc xây dựng thiết chế văn hóa như nhà đa năng phục vụ doanh nghiệp, người lao động trong KCN cũng rất cần thiết.

Sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, từng bước đóng góp cho nền kinh tế tỉnh nhà./.

Xem thêm