Không có sự chênh lệch lớn khi đánh giá kết quả Chương trình GDPT theo quy định mới.

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 10. Năm nay, việc đánh giá học sinh THPT thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, tập trung vào kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) và kết quả học tập (học lực). Tuy yêu cầu có cao hơn so với cách đánh giá theo các Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT nhưng kết quả cũng không có sự chênh lệch lớn.
Một tiết học của học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Kạn.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Kạn.

Năm học này, Trường THPT Bắc Kạn có 396 học sinh lớp 10, trong đó học sinh học Ban Khoa học xã hội chiếm 2/3, còn lại học sinh học Ban Khoa học tự nhiên. Cô giáo Vy Thị Thu Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 10, nên giáo viên vất vả hơn, vừa dạy vừa tìm tòi, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm. Vướng mắc chỗ nào đều tìm cách tháo gỡ kịp thời. Do thực hiện tốt công tác tư vấn tuyển sinh ngay từ ban đầu, nên hết học kỳ 1 không có học sinh nào kiến nghị đổi nguyện vọng từ học ban này sang ban khác. Năm nay, thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, việc đánh giá học sinh THPT tập trung vào kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) và kết quả học tập (học lực). Với cách đánh giá này học sinh đạt kết quả rèn luyện học tập loại tốt (tương đương với loại giỏi) phải có điểm trung bình của tất cả các môn đạt 6,5 trở lên, trong đó có 06 môn đạt 8,0 điểm trở lên. Yêu cầu này cao hơn so với cách đánh giá theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về Quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT. Kết quả học kỳ I, đối với lớp 10, Trường THPT Bắc Kạn có 09 học sinh đạt học lực tốt chiếm 2,3%; 107 học sinh đạt học lực khá đạt 27,0%; 233 học sinh học lực đạt chiếm 58,8% và 47 học sinh học lực chưa đạt chiếm 11,9%. So với kết quả học tập ở học kỳ I năm học 2021-2022, không có sự chênh lệch lớn. Học sinh cơ bản tiếp thu được những kiến thức, nội dung mà chương trình thiết kế”.

Châu Anh, học sinh lớp 10 Trường THPT Bắc Kạn cho biết: “Với chương trình mới năm nay em và các bạn trong lớp cơ bản thấy phù hợp, bài giảng sinh động, dễ hiểu, ngoài ra còn tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có ích cho sự định hướng lựa chọn ngành nghề sau này”.

Theo số liệu kết quả sơ bộ học kỳ I do Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp, tổng số học sinh lớp 10 của tỉnh năm học này là 2928 em, số học sinh đạt học lực tốt là 127 em, chiếm 4,34%; khá 817 em, chiếm 29,7%; đạt là 1576 em, chiếm 53,8% và chưa đạt là 354 em, chiếm 12,09%. So với kết quả học kỳ 1 đối với khối lớp 10 năm học 2021-2022 thì tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi có tăng. Học kỳ I năm học 2021-2022, học sinh học lực giỏi ( nay gọi là "tốt") là 84 học sinh, chiếm tỷ lệ 3,072%.

Hiện nay học sinh các cấp học, bậc học đã bước vào học kỳ II. Để thực hiện tốt chương trình kế hoạch năm học cũng như lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục tăng cường chỉ đạo các trường, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo, từng bước xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường./.

Xem thêm