Không có căn cứ khẳng định nước thải sau tuyển quặng gây ảnh hưởng năng suất lúa ở Bằng Lãng

Thời gian qua, một số hộ dân ở một vài thôn tại xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) đã phản ánh tới đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện về việc một số diện tích lúa đạt năng suất thấp hơn bình thường. Nguyên nhân được các hộ dân nêu ra là có thể bắt nguồn từ việc sử dụng nguồn nước có lẫn nước thải sau tuyển khoáng vào sản xuất.

Theo thông tin từ HĐND huyện, sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, thường trực HĐND huyện đã chuyển ý kiến này tới các cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, cấp huyện (cụ thể là Phòng Tài nguyên Môi trường) chưa đủ phương tiện kỹ thuật để đánh giá xem chất lượng nước ở đây có bảo đảm hay không.

Ngày 7/12, các đại biểu HĐND huyện đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Bằng Lãng. Một lần nữa ý kiến về vấn đề này tiếp tục được các cử tri nêu ra. Trong đó, đa phần đến từ các hộ dân thuộc các thôn Bản Lắc, Tông Mụ, Tủm Tó… Đây đều là các thôn ở phía hạ nguồn nơi dòng suối có hòa lẫn nước từ các xưởng tuyển khoáng và mỏ khai thác chảy qua. Cử tri phản ánh, năng suất lúa thấp còn một số ao nuôi thủy sản có hiện tượng cá nuôi không lớn nhanh như những năm trước đây.

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này chúng tôi đã có cuộc làm việc với Phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn). Qua trao đổi, được biết, từ ngày 19- 20/10, đơn vị đã có mặt kiểm tra, lấy mẫu đánh giá tại Xí nghiệp tuyển khoáng Bằng Lũng, mỏ Nà Bốp, mỏ Pù Sáp (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn) và xưởng tuyển của Công ty Việt Trung.

 

Các xưởng tuyển nổi tại khu vực Lũng Váng sử dụng nhiều nước trong quá trình tuyển quặng.
Các xưởng tuyển nổi tại khu vực Lũng Váng sử dụng nhiều nước trong quá trình tuyển quặng.


Vị trí các xưởng tuyển khoáng nằm trên đỉnh Lũng Váng, nước thải sau tuyển nổi xả ra chảy qua các bể lắng xuống hòa với nước suối chảy về phía xã Bằng Lãng. Con suối này cũng chảy qua điểm khai thác của hai mỏ khoáng sản nói trên. Đây là cơ sở khiến người dân nghi ngờ về việc có khả năng nước thải khiến năng suất lúa bị giảm.

Các mẫu nước, bùn thải… được Chi cục Bảo vệ môi trường chuyển tới Công ty Cổ phần Kỹ thuật và phân tích môi trường (Hà Nội) tiến hành phân tích. Toàn bộ các kết quả thu được đều cho thấy các mẫu có chỉ số đáp ứng được tiêu chuẩn vi khí hậu, tiếng ồn cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh…

Cụ thể, mẫu lấy tại khu vực xưởng tuyển của Xí nghiệp tuyển khoáng Bằng Lũng có chỉ số Các bon đi ô xít (CO2) là 226mg/m3 so với tiêu chuẩn theo QCVN 05: 2009/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh) là 1800mg/m3; Sun fua đi ô xít chỉ là 0,17mg/m3 so với 0,35mg/m3; Ni trô gen đi ô xít chỉ là 0.09mg/m3 so với 0,20mg/m3… Các chỉ số này cũng trong hạn mức cho phép theo TC 3733- 2002- BYT/QĐ (Tiêu chuẩn vi khí hậu, tiếng ồn tại khu vực làm việc).

Mẫu nước suối trước cửa hầm Nà Bốp (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn) cũng có các chỉ số về pH, tổng chất rắn lơ lửng, phốt phát, Asen, Chì, Kẽm, Sắt, Măng gan… thấp hơn hoặc nằm trong mức tiêu chuẩn cho phép theo QCVN08: 2008/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt). Mẫu nước suối trước cửa hầm mỏ Pù Sáp cũng có kết quả nằm trong mức cho phép theo quy chuẩn nói trên. Các mẫu khác tại điểm xả ra môi trường; mẫu bùn hồ lắng cuối cũng không có chỉ số nào vượt quá mức quy định.

Đối với xưởng tuyển của Công ty Việt Trung (cũng nằm trên đỉnh Lũng Váng), Chi cục đã lấy ba mẫu tại khu vực gần xưởng tuyển và bể chứa bùn thải; mẫu nước tại bể lắng số 4; mẫu bùn tại bể lắng số 4 đem phân tích. Kết quả cũng không có chỉ số nào vượt quá hạn mức cho phép.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Phát Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Lãng cho biết, đúng là trong vụ sản xuất vừa qua có khoảng 01ha diện tích lúa nằm rải rác ở các khe lạch ở một số thôn nói trên bị mất từ 10- 12% sản lượng so với mọi năm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được xác định là do năm nay chuột cắn hại nhiều ngoài ra do một số đoạn kênh, mương đang sửa chữa dẫn tới một vài diện tích thiếu nước nên năng suất giảm. Còn việc năng suất giảm do sử dụng nước sản xuất có lẫn nước thải sau tuyển khoáng thì cần có cơ quan chức năng đánh giá, nhưng người dân thì vẫn không khỏi lo lắng.


Với kết quả xét nghiệm của các mẫu thì không có căn cứ để khẳng định nước thải làm giảm năng suất lúa. Nhưng ngược lại, các mẫu đã phân tích, tuy các chỉ số đều trong mức cho phép nhưng chỉ lấy tại một thời điểm nên không thể lấy đó làm kết quả đánh giá cho cả một quá trình sản xuất, xả thải trong năm của các đơn vị. Về lâu dài cần có một sự điều tra, đánh giá kỹ lưỡng hơn để có những kết quả chính xác từ đó có những biện pháp phòng ngừa, không để ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của nhân dân sinh sống gần các mỏ, xưởng tuyển khoáng./.


T.S

Xem thêm