Không chủ quan với bệnh dại

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy nhiên, những ca tử vong này hoàn toàn có thể tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin kịp thời, đúng và đầy đủ.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy nhiên, những ca tử vong này hoàn toàn có thể tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin kịp thời, đúng và đầy đủ.

Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh

Hiện nay, tình trạng chó, mèo thả rông, không rọ mõm vẫn phổ biến, đặc biệt là các vùng nông thôn. Rất nhiều người nuôi chó, mèo còn thiếu ý thức, không chấp hành các quy định như: Không thả rông chó, mèo; phải rọ mõm chó, mèo khi đưa ra ngoài đường... Tại các thôn, bản, ngõ, xóm luôn bắt gặp chó thả rông từng đàn, gây nguy hiểm cho các em nhỏ, học sinh đi học.

Cháu Bàn Yến Chi, 10 tuổi, xã Thuần Mang (Ngân Sơn) đang đi trên đường thì bị chó cắn, đã được mẹ là chị Lý Thị Thu Trang đưa đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiêm phòng. Chị Trang cho biết: Tình trạng chó thả rông rất nguy hiểm không chỉ đối với trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn. Khi bị cắn, cháu đi bộ cách nhà 100m, tuy là chó nhà hàng xóm và đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng để yên tâm chị đưa bé Chi đến Trung tâm để được bác sĩ tư vấn.

Trường hợp cháu Nguyễn Anh Thái, 5 tuổi ở xã Yên Thượng (Chợ Đồn) đang đi chơi thì bị chó cắn, sau đó con chó bị đánh chết, gia đình vội đưa cháu đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được tư vấn và tiêm phòng. Hiện sức khỏe của cháu ổn định.

Điều khá bất cập, hiện nay còn rất nhiều người chủ quan khi bị chó, mèo cắn, không đến các cơ sở y tế tiêm phòng. Nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả và sự nguy hiểm của bệnh dại còn thấp. Nhiều trường hợp tử vong vô cùng đáng tiếc do người dân chủ quan không tiêm phòng vắc-xin dại khi bị chó, mèo bị bệnh cắn hoặc điều trị bằng các biện pháp chưa được phê duyệt (như thuốc nam). Nhiều người cho rằng, vắc-xin dại độc hại cho sức khỏe, nhưng đó là những quan điểm sai lầm vì vắc-xin dại cũng là vắc-xin phòng bệnh như các loại vắc-xin khác, tính an toàn được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Vì vậy, đẩy mạnh truyền thông và truyền thông hiệu quả là biện pháp cực kỳ quan trọng với chi phí hợp lý góp phần giảm những ca tử vong đáng tiếc. Tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo là biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại trên người. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người bị chó, mèo nghi dại cắn cần được tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bệnh dại.

Trường hợp ông HVK, tại huyện Na Rì, khi bị chó chạy rông cắn vào tháng 5/2020, ông chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng dại, sau đó con chó bị chết. Hơn 1 tháng sau, ông K có biểu hiện khó thở, khó nuốt, vẫn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thấy vậy gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Na Rì khám và điều trị. Sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn điều trị, được chẩn đoán nghi bệnh dại với các biểu hiện sợ nước, sợ gió, tiếng ồn, ánh sáng, kích thích vật vã, tăng tiết nước bọt, co giật... Sau đó tiên lượng nặng nên gia đình bệnh nhân xin về và ông đã tử vong trên đường đưa về nhà.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có 1.411 trường hợp tiêm phòng dại và 156 trường hợp dùng huyết thanh kháng dại, các trường hợp đến tiêm phòng dại đều có sức khỏe ổn định sau tiêm.

Theo các cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, người dân khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải xử lý bằng cách rửa xà phòng từ 3 - 5 phút, không nặn máu, không bôi bất cứ thứ gì lên vết cắn, để hở vết cắn và đến cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế tư vấn, chăm sóc. Trẻ em và những người có tiếp xúc với chó, mèo thường xuyên như: Cán bộ thú y, người giết mổ chó, nhân viên cứu hộ tại các cơ sở thú y nên chủ động tiêm phòng dại. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế người dân cần nâng cao ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh.

Ngành y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời. Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế cần tuyên truyền đến mọi người dân thực hiện tốt Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại ở động vật.../.

Hồng Hạnh

Xem thêm