Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh vẫn có bước phát triển khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhằm phát huy tối đa các lợi thế, nâng cao giá trị và phát triển ngành Công nghiệp bền vững, tỉnh Bắc Kạn huy động mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
![]() |
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 tăng 5,4% so với năm 2019. |
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội của thế giới cũng như của Việt Nam. Tỉnh Bắc Kạn cũng không nằm ngoài tác động của dịch bệnh, trong đó sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt là những doanh nghiệp có sử dụng chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn do việc phải thực hiện cách ly; nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu không tiêu thụ được... Trước tình hình đó, trên tinh thần “Chính quyền kiến tạo, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động thăm nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại cơ sở để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị hoạt động.
Đặc biệt, tháng 6/2020, tỉnh tổ chức thành công “Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp và hợp tác xã”. Qua đó, tiếp nhận và trả lời 179/193 ý kiến, đề xuất của 51 doanh nghiệp và 53 hợp tác xã chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến, đề xuất liên quan đến việc khoanh các khoản nợ cũ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi vay, tiếp tục cho vay khoản nợ mới, giảm lãi suất cho vay; kéo dài thời gian chậm nộp các khoản thuế, tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng hoặc giãn nộp thuế giá trị gia tăng; không tính lãi chậm trả; kéo dài thời gian đóng tiền BHXH cho cán bộ và người lao động và không tính lãi chậm trả; miễn giảm, tạm dừng đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và hỗ trợ người lao động không có việc làm trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm... Các kiến nghị chưa được giải đáp tại Hội nghị đến thời điểm hiện tại cũng đã được các sở, ngành, địa phương giải quyết.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các ngân hàng thương mại thường xuyên làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6%/năm xuống còn xuống 4,5%/năm...
Công nghiệp tiếp tục khởi sắc
Cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh cũng chủ động tìm kiếm thị trường, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 toàn tỉnh ước đạt 1.334 tỷ đồng. Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp cả năm chỉ đạt 96,4% kế hoạch nhưng vẫn tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó: Công nghiệp khai thác tăng 2,53%, công nghiệp chế biến tăng 6,26%, công nghiệp sản xuất phân phối điện nước tăng 10,24% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,63%.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cả năm đạt 12,77 triệu USD, tăng 32% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,52 triệu USD với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ dán ép, gỗ bóc, đũa gỗ, chì chưa gia công, củ quả đã sơ chế. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,25 triệu USD với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, veneer nguyên liệu, tinh quặng chì.
Trong năm 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) với diện tích 16ha từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đồng thời, thu hút được các nhà đầu tư đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Quảng Chu (Chợ Mới) với diện tích 74,4ha và Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng (Bạch Thông) diện tích 43ha. Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ ổn định sản xuất, mà còn tiếp tục tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Đặc biệt, năm 2020 toàn tỉnh có 05 sản phẩm được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” khu vực phía Bắc. Như vậy, đến nay, Bắc Kạn đã có 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc và 02 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia (Miến dong Nhất Thiện Ba Bể của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện; Tinh nghệ Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn).
Đồng chí Hoàng Hà Bắc- Giám đốc Sở Công thương cho biết: Xác định phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm vụ quan trọng có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả “Đề án tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu: GRDP ngành Công nghiệp tăng trưởng bình quân 12,8%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 14,18%/năm; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đến năm 2025 phấn đấu đạt 98,5%.
Trước mắt, năm 2021 hoàn thành công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Huyền Tụng để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vào địa bàn thành phố Bắc Kạn. Đồng thời, tập trung mạnh vào những ngành có lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào của Bắc Kạn. Phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao, quy mô lớn như dong riềng, tinh bột nghệ, cam, quýt, hồng không hạt, chè… Mở rộng phát triển các cơ sở sản xuất dăm gỗ, gỗ ép MDF, gỗ ván dán, ván ghép thanh; chú trọng phát triển sản xuất các mặt hàng từ tre như chiếu tre, đũa tre phục vụ trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích phát triển sản xuất cơ khí lắp ráp, chế tạo máy móc thiết bị chế biến nông, lâm sản thực phẩm và hàng tiêu dùng. Tận dụng lợi thế tài nguyên để khai thác các khoáng sản có giá trị kinh tế nhằm đảm bảo đủ nguyên vật liệu cho các cơ sở luyện kim của tỉnh...
Trong những năm tới, Sở Công thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, thay thế dần các thiết bị lạc hậu, đồng bộ hoá công nghệ trong những ngành có lợi thế. Tìm kiếm, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia tiến trình hội nhập và phát triển.
Nhìn lại một năm qua, có thể thấy những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất công nghiệp đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành Công nghiệp của tỉnh sẽ có những bước tiến mới trong năm 2021./.
Bích Ngọc