Khởi nghiệp xanh trên quê hương

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng của Nguyễn Văn Phước, Doanh Thị Hồng Chuyên, Doanh Hồng Na ở thôn Bản Đăm, xã Đức Vân (Ngân Sơn) đã góp phần thổi “làn gió mới” cho việc quảng bá du lịch địa phương.

Giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, từ Bắc Kạn lên Cao Bằng đoạn qua đèo Khau Khang bạt ngàn hoa cỏ, màu sắc rực rỡ vàng tươi cả một góc trời. Điểm dừng chân với một nếp nhà cùng vườn hoa khoe sắc của 3 thanh niên trẻ hiện lên nổi bật giữa núi rừng.

Tiếp chúng tôi là Nguyễn Văn Phước, quê Nghệ An, nhưng có tình cảm đặc biệt với đất và con người Bắc Kạn. Anh Nguyễn Văn Phước chia sẻ, anh từng làm việc tại các khu nghỉ dưỡng 5 sao dọc đất nước từ Nam ra Bắc. Quãng thời gian đó, anh đã ấp ủ mở một mô hình du lịch gần với thiên nhiên…Khi gặp vợ mình là chị Chuyên, nhiều lần về quê chị chơi, anh Phước đã bị vẻ đẹp của vùng đất Ngân Sơn thu hút, đặc biệt vào mùa hoa mận, hoa đào… Nên sau khi xây dựng tổ ấm anh quyết định rời công việc ổn định ở thành phố, có mức thu nhập khá để về quê vợ lập nghiệp.

Từ ý tưởng khởi nghiệp là làm mô hình du lịch với nhiều hộ cùng tham gia, tạo thành một cộng đồng giúp cho du khách trải nghiệm cuộc sống vùng cao, tìm hiểu bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, sẽ tạo được công ăn việc làm cho người dân bản địa, tăng nhận thức, nâng cao dân trí cho họ nhưng vẫn duy trì, gìn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng. Dần dần sẽ kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội, 3 bạn trẻ cùng bắt tay vào xây dựng mô hình.

Đến nay, họ đã có 3 khu vườn với 300 gốc đào, 200 gốc mận và một vườn hoa đủ loại để du khách đến tham quan, chụp ảnh vào mùa hoa rộ. Khu vực đèo Khau Khang, đã đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng 01 nếp nhà gỗ, khu vườn hoa đủ loại cùng những nhà chòi cho khách ghé chân.

Dù mới đi vào hoạt động được nửa năm, nhưng mô hình du lịch với cái tên “Kha Bản” của 3 bạn trẻ đã đón trên 2.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Ngoài phục vụ đạo cụ chụp hình, như trang phục dân tộc, khăn, ô... họ còn phục vụ bữa ăn, được nấu theo kiểu truyền thống của dân địa phương gồm: Xôi nếp, thịt lợn, gà bản…

Anh Nguyễn Đức Tuy, du khách đến từ Hải Phòng, chia sẻ: Trước đây, nhắc đến Bắc Kạn, tôi chỉ nghĩ đến hồ Ba Bể, còn Ngân Sơn lại không có ấn tượng gì về vùng đất này. Nhưng dịp đầu năm nay, được bạn giới thiệu và dẫn đến trải nghiệm tại vườn hoa mận ở Ngân Sơn, tôi thật sự rất ấn tượng. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành và đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc đã mang đến một trải nghiệm du lịch mới mẻ và thú vị tại đây.

Để đẩy mạnh việc quảng bá, thu hút du khách, 3 bạn trẻ đã sử dụng hệ thống phần mềm quản lý kế toán; đưa hình ảnh khu du lịch lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, trang du lịch nước ngoài; sử dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt… Chị Doanh Hồng Chuyên cho hay: “Ứng dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm du lịch là xu hướng hiện nay. Facebook, Youtube… là công cụ hữu hiệu để giới thiệu hình ảnh đến du khách mọi miền. Qua các ứng dụng, du khách phản hồi, góp ý để chúng tôi phục vụ được tốt hơn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng với lĩnh vực du lịch”.

Ngay từ đầu khi bắt tay vào xây dựng mô hình du lịch này, cả 3 bạn trẻ đã xác định sẽ tạo nên một mô hình du lịch cộng đồng đúng nghĩa, gắn liền với việc bảo tồn văn hóa. Chị Doanh Hồng Na cho biết: "Chúng tôi cố gắng đưa các sản phẩm du lịch của mình gắn với những nét văn hóa, truyền thống, phong tục đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây, để cho du khách phương xa biết đến. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng khu lưu trú, đưa du khách đến từng nhà dân để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào, tìm hiểu văn hóa truyền thống…”

“Đầu tư cho văn hóa, bảo tồn văn hóa là hành trình cần cả cuộc đời” với quan điểm ấy, anh Phước, chị Chuyên và chị Na vẫn đang miệt mài góp sức với mong muốn phát triển du lịch xanh bền vững từ chính những giá trị văn hóa của quê hương…/.