Khởi nghiệp từ mô hình nuôi lợn đen bản địa

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chịu khó học hỏi và tìm hiểu, chị Đào Thị Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Ba Bể, xã Khang Ninh (Ba Bể) đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi và chế biến các món ăn từ thịt lợn đen bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy du lịch của huyện Ba Bể những năm trở lại đây ngày càng phát triển, cũng như nắm bắt nhu cầu thực phẩm của người dân và khách du lịch, chị Thanh đã kết hợp nuôi lợn với chế biến thịt lợn thành các món ăn đặc trưng. Chị chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với việc tích cực quảng bá sản phẩm thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook…, liên kết với các nhà hàng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với diện tích khoảng 1ha, chị xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bản địa thả tự nhiên và trồng chuối để làm nguồn thức ăn cho lợn, nhằm giảm tối đa chi phí chăn nuôi.

Từ 05 con lợn giống, năm 2020 đàn lợn đã phát triển lên 20 con lợn nái. Chị Thanh cho biết: Giống lợn bản địa được lai tạo giữa lợn rừng nên khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon hơn so với giống lợn thường. Lợn nái đẻ từ 10 – 12 con/lứa, mỗi năm 2 lứa. Lợn con đủ tiêu chuẩn xuất chuồng nặng khoảng từ 10 - 20kg, giá bán dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tuy giá thành cao hơn so với giá thịt lợn bình thường nhưng chất lượng thịt ngon và đảm bảo.

Sản phẩm của HTX trưng bày tại Tuần lễ giới thiệu miến dong và các sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa tỉnh Bắc Kạn năm 2022, tại thành phố Hải Phòng.

Sản phẩm của HTX trưng bày tại Tuần lễ giới thiệu miến dong và các sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa tỉnh Bắc Kạn năm 2022, tại thành phố Hải Phòng.

Chị Thanh chia sẻ: Tại địa phương, các mô hình sản xuất, kinh doanh còn manh mún và nhỏ lẻ; sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ, thường bị ép giá; các hộ gia đình trong xã chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tôi đã vận động các hộ dân cùng sở thích thành lập HTX với mong muốn bao tiêu các sản phẩm cho bà con và tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng.

Đầu năm 2021, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Ba Bể được thành lập gồm 09 thành viên, với ngành nghề chính là chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn... Năm 2022, HTX có 02 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh gồm lạp sườn lợn đen gác bếp và thịt lợn đen bản địa Ba Bể - Bắc Kạn. Ngoài ra, HTX liên kết với người dân mở rộng vùng nguyên liệu, tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Hiện HTX tạo việc làm cho 03 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Lạp sườn lợn đen gác bếp của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Lạp sườn lợn đen gác bếp của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chị Trần Thị Ngọc Ánh, Bí thư Đoàn xã Khang Ninh cho biết: "Mô hình nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn bản địa của chị Đào Thị Thanh là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả và tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn. Đoàn xã mong muốn chị Thanh tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đoàn viên thanh niên, phát huy hiệu quả mô hình, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ giá thành ổn định. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất cho đoàn viên thanh niên, từ đó giúp đỡ thanh niên và người dân trên địa bàn cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”.../.

Xem thêm