Khoa học kỹ thuật góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vùng cao Pác Nặm

Pác Nặm là huyện vùng cao, sản xuất nông - lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục điều này, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Pác Nặm là huyện vùng cao, sản xuất nông - lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục điều này, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Khoa học kỹ thuật góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vùng cao Pác Nặm ảnh 1

Ngô đồi là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Pác Nặm. Do sử dụng phần lớn giống ngô địa phương, lại thiếu sự đầu tư, chăm sóc nên trước kia ngô đồi của Pác Nặm chỉ đạt năng suất 20 tạ/ha. Cây ngô lai xuất hiện đã mang lại những thay đổi rõ rệt về năng suất, diện tích và sản lượng cho người dân Pác Nặm. Đời sống của người dân các thôn như: Thôm Mèo, xã Xuân La; Khuổi Phay, xã Nghiên Loan; Nà Phẩn, xã Bộc Bố; Bản Sáng, xã Cổ Linh hay Nà Coóc, xã Công Bằng... đã chuyển biến tích cực nhờ cây ngô lai. Có được kết quả này là nhờ cán bộ kỹ thuật các cấp đã dày công tuyên truyền, vận động, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, từ khâu tuyển chọn giống, làm đất, gieo hạt, bón phân, đến khâu thu hoạch, bảo quản hạt...

Gieo sạ là hình thức canh tác tiến bộ mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, hình thức này đã được người dân một số địa phương trong huyện áp dụng. Tuy nhiên, do sạ bằng tay không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến khó làm cỏ, sâu bệnh nhiều, hiệu quả kinh tế không cao. Khắc phục hạn chế này, vụ xuân năm 2011, huyện Pác Nặm được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm tỉnh đã triển khai kỹ thuật gieo sạ hàng. Với sự hướng dẫn tận tình, bài bản từ khâu ngâm ủ giống, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên người dân rất yên tâm với hình thức canh tác tiến bộ. Có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật năng suất lúa của người dân đã tăng từ 20 – 50% so với cấy thông thường. Từ 5ha mô hình năm 2011, người dân Pác Nặm đã mở rộng lên 20ha năm 2012 và con số này theo dự kiến sẽ tăng lên vào vụ xuân 2013.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đồng thời nhận thấy giá trị to lớn từ cây dong riềng, huyện Pác Nặm đã tập trung phát triển loại cây trồng này trong năm 2012. Không chỉ hỗ trợ giống, phân bón và thuốc trừ sâu, huyện Pác Nặm đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến dong riềng cho người dân. Những chính sách này đã thực sự mang lại lợi ích cho người dân với thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha dong riềng.

Đồng chí Hoàng Kim Hồng- Bí thư Huyện uỷ Pác Nặm cho biết: Những năm qua công tác giảm nghèo của Pác Nặm đã đạt được nhiều thành quả; tỷ lệ hộ nghèo từ 56,15% năm 2008 (chuẩn cũ), giảm xuống còn 45,43% năm 2011 (chuẩn mới) và giảm còn 40,47% năm 2012. Việc tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân vùng cao đã có những tích động tích cực đến công tác giảm nghèo của địa phương. Vì vậy, công tác này sẽ được huyện chú trọng thực hiện trong những năm tới.

Hiện tại trên địa bàn huyện Pác Nặm có nhiều chương trình, dự án khác nhau cùng chung mục đích giúp người dân giảm nghèo. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì các chương trình, dự án còn tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Từ năm 2006 đến năm 2010, Chương trình 135 đã tổ chức được hơn 100 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân. Trong khi đó Dự án 3PAD đã giúp cho hơn 1.400 hộ dân được tiếp cận với những kiến thức khoa học, những kỹ thuật tiến bộ để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Chương trình 30a cũng dành nguồn lực đáng kể đầu tư vào lĩnh vực này. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật có sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể và các địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện. Nhờ có sự hoạt động tích cực, chủ động của Trạm mà nhiều giống ngô, lúa mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương được đưa vào sản xuất. Một bộ phận người dân vùng cao đã chuyển đổi nhận thức, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu. Riêng trong năm 2012, Trạm đã tổ chức thực hành thành công 3 mô hình trồng cây khoai môn, ngô lai và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đồng thời tổ chức trên 30 lớp tập huấn và các buổi họp giúp các địa phương đánh giá hệ thống canh tác.

Đồng chí Quách Xuân Khoanh- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Pác Nặm nhận định: Những năm qua khoa học kỹ thuật đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của sản xuất nông, lâm nghiệp của Pác Nặm. Tuy nhiên, do trình độ người dân còn hạn chế nên việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật chưa thực sự mạnh mẽ. Vì thế, việc tăng cường đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chính là “chìa khoá” giúp dân giảm nghèo hiệu quả./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm