Khoa học công nghệ tạo đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất

Những năm qua, khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Sau 25 năm tái lập, đến nay tỉnh đã triển khai 269 đề tài, dự án khoa học và công nghệ; trong đó lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm 66,1%; văn hóa - xã hội chiếm 13,7%; kinh tế kỹ thuật chiếm hơn 20%. Riêng giai đoạn 2015-2020, ngành Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 42 đề tài, dự án, trong đó nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị được ứng dụng trong sản xuất, đời sống. Một số đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo.

Tại các địa phương, nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả như: Canh tác đất dốc tại Pác Nặm; trồng lúa chất lượng cao (TH6, Japonica) tại Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Mới…; thâm canh cam, quýt tại Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ chè Shan tuyết (Chợ Đồn), chè trung du tại Ba Bể, Chợ Mới; chế biến các loại chè Hồng Trà, Bạch Trà, chè sợi, Ngân Kim; mô hình sản xuất chuối tây bằng giống invitro tại thành phố Bắc Kạn…

Nông dân xã Như Cố (Chợ Mới) thu hái chè.
Nông dân xã Như Cố (Chợ Mới) thu hái chè.

Các chương trình, kế hoạch về khoa học và công nghệ được quan tâm triển khai kịp thời như xây dựng đội ngũ trí thức, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; công tác xây dựng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể được quan tâm. Theo đó, các sản phẩm hồng, quýt, miến dong Bắc Kạn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; gạo Bao thai Chợ Đồn, lúa Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc huyện Chợ Đồn đã được cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Sở Khoa học và Công nghệ còn tích cực hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số, mã vạch… góp phần đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng.

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001: 2008, 9001:2015 tại các cơ quan nhà nước từ cấp xã đến cấp tỉnh đạt 100%, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đẩy mạnh và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận đo lường được quan tâm triển khai, như tổ chức các cuộc kiểm tra về nhãn hàng hóa, phương tiện đo như: Xăng, dầu, khí ga; cân các loại; công tơ điện, nước, huyết áp kế, điện trở tiếp đất… góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Đối với hoạt động quản lý về công nghệ, các nghiên cứu về đánh giá nguồn đá vôi, đá ốp lát, nguyên liệu xi măng… và việc tiếp nhận công nghệ xử lý nước sinh hoạt, công nghệ nội soi trong lĩnh vực y tế đang duy trì áp dụng có hiệu quả. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được quan tâm triển khai; nhất là qua các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhiều ý tưởng đã đạt giải, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ, đến nay đã làm chủ được công nghệ nhân giống bằng phương pháp invitro với chuối tây, khoai môn Bắc Kạn, lan kim tuyến, lan hồ điệp…; sản xuất nấm sò, mộc nhĩ, linh chi, nấm hương, nấm rơm…; thực hiện các dịch vụ về kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 như cột đo xăng dầu, cân, công tơ điện, đo điện trở tiếp đất; thử nghiệm các mẫu vật liệu xây dựng như bê tông, sắt, gạch đá, xi măng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Công nghệ sản xuất của đa số doanh nghiệp còn lạc hậu, thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển. Hoạt động đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ còn ít và thiếu chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cơ bản và công nghệ cao.

Để nâng cao giá trị và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, triển khai các chương trình khoa học công nghệ về nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hữu cơ đối với những sản phẩm chủ lực của địa phương. Nghiên cứu, phát triển dược liệu có giá trị cao theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến nông, lâm sản, trồng và chế biến gỗ; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao phù hợp trong nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu./.

Anh Thúy

Xem thêm