Khó khăn trong chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ

Nhằm quản lý, khai thác và kinh doanh chợ có hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước, Sở Công thương Bắc Kạn đã triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thực hiện, kết quả thu được còn hạn chế.

Nhằm quản lý, khai thác và kinh doanh chợ có hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước, Sở Công thương Bắc Kạn đã triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thực hiện, kết quả thu được còn hạn chế.


Thời điểm khảo sát để xây dựng Đề án vào cuối năm 2015, hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh là 65 chợ, trong đó có 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2 và 60 chợ hạng 3 chủ yếu họp theo phiên. Có 6/66 chợ đáp ứng quy định tổ chức quản lý chợ của pháp luật, còn lại đều không đáp ứng quy định. Số chợ nông thôn phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hoá của nhân dân chiếm tỷ lệ lớn (54/66 chợ), trong đó đã hình thành một số chợ chuyên doanh nông, lâm sản và gia súc, gia cầm.

Một số chợ được đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả do địa hình miền núi cách trở, đường giao thông đi lại khó khăn, không thuận tiện cho việc trao đổi lưu thông hàng hoá nhất là vào mùa mưa; một số chợ ở vùng sâu vùng xa đã xuống cấp do không có kinh phí duy tu, bảo trì, nâng cấp, cải tạo. Hầu hết ban quản lý hoặc tổ quản lý chợ do cán bộ chính quyền địa phương sở tại kiêm nhiệm, đa phần chưa được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý chợ theo quy định.

Chợ Đức Xuân do Doanh nghiệp quản lý hoạt động đạt hiệu quả cao
Chợ Đức Xuân do doanh nghiệp quản lý hoạt động đạt hiệu quả cao.


Việc quản lý và điều hành hoạt động chợ còn nhiều bất cập, nhất là đối với các chợ do UBND xã, phường, thị trấn quản lý, cụ thể như: Vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý chợ chưa được phát huy; tình trạng thiếu khu vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường, cơ sở vật chất xuống cấp còn phổ biến; an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy trong phạm vi chợ chưa được quan tâm đúng mức; nhiều chợ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư lớn nhưng hoạt động không hiệu quả; vẫn tồn tại các chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; công tác thu phí, lệ phí chợ chưa thực hiện đúng quy định của HĐND tỉnh và chưa thống nhất mức thu giữa các chợ cùng hạng…

Từ thực trạng trên, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, từ loại hình các ban (tổ) quản lý chợ sang các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. Mục tiêu là thiết lập mô hình tổ chức quản lý chợ phù hợp với quy mô và tính chất của các loại hình chợ trên địa bàn tỉnh, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, từng bước xã hội hoá hoạt động đầu tư xây dựng phát triển chợ, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của nhân dân trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và văn minh thương mại...

Triển khai thực hiện từ năm 2016, Sở đề ra mục tiêu đến hết năm 2017 toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi đối với 14 chợ. Tuy nhiên, đến nay mới có 05 chợ tại Bạch Thông và Na Rì chuyển đổi mô hình quản lý từ ban, tổ quản lý chợ sang doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, nhưng việc chuyển đổi vẫn chưa hoàn toàn áp dụng theo Đề án chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Quy chế chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn của UBND tỉnh. 05 chợ này mới chỉ thực hiện kiểm kê, định giá tài sản tại thời điểm thực hiện chuyển đổi và bàn giao tài sản cho đơn vị mới tiếp quản để thực hiện quyền khai thác, quản lý và kinh doanh chợ.

Theo đó, phân loại đơn vị quản lý chợ có 06 chợ do doanh nghiệp quản lý; 03 chợ do HTX quản lý; 15 chợ do Ban quản lý chợ quản lý; 40 chợ do tổ quản lý chợ quản lý và 01 chợ không có đơn vị nào quản lý (chợ tạm).

Tại cuộc họp bàn chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đại diện các huyện, thành phố và sở, ngành chức năng đã thảo luận về những khó khăn trong quán trình triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại các địa phương. Theo đó, đa phần đều gặp vướng mắc trong công tác định giá tài sản chợ, chuyển giao tài sản chợ, hình thức lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác và kinh doanh chợ; một số thất lạc hồ sơ do chợ được xây dựng từ khá lâu, một số chợ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc diện tích đất chưa thống nhất với những khu vực lân cận; các quy định hiện hành còn nhiều nội dung chưa cụ thể, chưa thống nhất, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đạt- Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ là nhiệm vụ mới nên các địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong công tác định giá tài sản chợ, chuyển giao tài sản chợ, lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác và kinh doanh chợ. Một số chợ hiện nay bị thất lạc hồ sơ pháp lý do được xây dựng đã lâu. Ngoài ra còn có chợ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc diện tích đất chợ chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý chợ cũng như công tác định giá và xây dựng phương án chuyển đổi. Một số chợ trên địa bàn hoạt động chưa hiệu quả nên chưa có sức hút đối với đơn vị đầu tư vào quản lý, khai thác và kinh doanh chợ.

Có thể nói, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ theo chủ trương của tỉnh đang gặp một số vướng mắc cần được cấp, ngành chức năng nỗ lực tháo gỡ nhằm đưa các chợ vào hoạt động ổn định, hiệu quả./.
 

Phan Quý

Xem thêm