Khát vọng trên đỉnh non cao

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, anh Đặng Hành Dũng, sinh năm 1996, người dân tộc Dao tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể đã từng bước chinh phục ước mơ làm giàu trên đỉnh núi Pù Lầu, mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này.
Các bể nuôi cá của anh Đặng Hành Dũng được xây dựng trên đỉnh núi Pù Lầu.

Các bể nuôi cá của anh Đặng Hành Dũng được xây dựng trên đỉnh núi Pù Lầu.

Pù Lầu bốn bề lộng gió, quanh năm mây vờn bao phủ, không khí trong lành, tinh khiết, tựa như Sa Pa của núi rừng Bắc Kạn. Sinh ra và lớn lên ở thôn Phiêng Phàng, nơi có đỉnh núi Pù Lầu chon von góc trời, anh Đặng Hành Dũng thuộc làu từng góc núi, khe suối, rừng cây, thác nước...

Dũng tâm sự: “Học xong Trung cấp Y tế Thái Nguyên, tôi nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Công an nghĩa vụ. Suốt thời gian quân ngũ, tôi đã vạch ra những đích đến cho tương lai và quyết định khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Pù Lầu khí hậu mát mẻ, sườn núi có độ dốc cao, nước nguồn mát lạnh chảy từ chân núi, phù hợp nuôi cá cho giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi... Do vậy, tôi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Sa Pa để phát triển mô hình này từ đầu năm 2020”.

Đường lên Phiêng Phàng còn lắm gian nan! Từ Quốc lộ 3 thuộc địa phận xã Yến Dương rẽ vào khoảng 7km men theo đường núi nhỏ hẹp, một bên là vực. Đoạn đường từ trung tâm thôn lên đỉnh Pù Lầu chừng 500m, lởm chởm đất đá, nhiều vị trí dốc dựng đứng, nên đa số du khách đến đây đều phải đi bộ.

Bù lại, phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây mê hoặc lòng người với cánh rừng trúc xanh ngút tầm mắt dọc hai bên đường, nước suối trong vắt cùng những phiến đá lô nhô tựa như thạch bàn, thác nước hùng vĩ ầm ào chảy từ trên đỉnh núi, mây trắng bồng bềnh, chim muông ríu rít... Nhiều người ví von rằng: “Đến Pù Lầu ngỡ như lạc vào phim trường cổ trang”.

Cảnh sắc thiên nhiên độc đáo này khiến Đặng Hành Dũng chợt nhận ra cần phải khai thác du lịch gắn với nuôi cá thương phẩm. Dần dần, trang trại nuôi cá được nhiều người biết đến, cộng thêm định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái của địa phương, nên trại cá trên đỉnh Pù Lầu trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ngoài xuất bán ra tỉnh ngoài, cá tầm, cá hồi được chế biến tại chỗ phục vụ du khách.

Ngoài xuất bán ra tỉnh ngoài, cá tầm, cá hồi được chế biến tại chỗ phục vụ du khách.

Mô hình nuôi cá nước lạnh kết hợp du lịch ở Pù Lầu phát triển tốt, quy mô ngày càng mở rộng. Anh Dũng cho biết: "Từ 4 bể cá ban đầu, đến nay chúng tôi có 26 bể, liên kết với một số hộ dân địa phương để phát triển quy mô. Vừa qua, tôi xuất bán hơn 6 tấn cá thương phẩm, giá từ 280.000 - 300.000 đồng/kg cá tầm, 350.000 – 400.000 đồng/kg cá hồi. Trang trại luôn duy trì khoảng 5 tấn cá tầm, hơn 1.000 con cá hồi để phục vụ du khách".

Gắn bó với non cao, rừng thẳm để khởi nghiệp là điều đáng quý ở Đặng Hành Dũng. Hơn cả là sự chủ động, ý chí tự lực tự cường của chàng thanh niên dân tộc Dao thật đáng trân trọng và tạo sự lan tỏa về khát vọng lập thân, lập nghiệp. Tin rằng, nếu khắc phục được "điểm khó" về giao thông, mô hình nuôi cá kết hợp du lịch sinh thái ở Pù Lầu sẽ ngày càng phát triển và là điểm du lịch vệ tinh hấp dẫn của vùng hồ Ba Bể./.

Xem thêm