Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của Nhân dân, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn tiếp tục ổn định và phát triển, an sinh xã hội được quan tâm, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường, cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, các cơ chế, chính sách của tỉnh phát huy hiệu quả.

Năm 2022, các hoạt động kinh tế của tỉnh được duy trì, phát triển ổn định. Tổng sản phẩm GRDP theo giá so sánh ước đạt 8.297 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; tăng trưởng 6,01% so với năm 2021, trong đó: Nông - lâm nghiệp tăng trưởng 3,83%; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 8,96%; dịch vụ tăng trưởng 6,25%. GRDP bình quân đạt 46,3 triệu đồng/người, bằng 101% kế hoạch, tăng 4,7 triệu đồng so với năm 2021. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự ước đạt 853 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà hội viên Hội Nông dân tiêu biểu.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà hội viên Hội Nông dân tiêu biểu.

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp có nhiều kết quả đạt khá; Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) thực hiện hiệu quả, năm 2022 toàn tỉnh có thêm 53 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; công tác phòng chống thiên tai được chủ động thực hiện; trồng rừng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tình hình hoạt động công nghiệp nhìn chung ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 1.586 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2021. Dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.760 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 35 triệu USD, tăng 2,3% so với năm 2021. Tổng lượt khách du lịch năm 2022 ước đạt 461.000 lượt khách, doanh thu từ khách du lịch đạt 321 tỷ đồng, tăng 421% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm triển khai thực hiện. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung đạt 97,66%, vượt kế hoạch đề ra. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng. Công tác lao động, việc làm, chăm lo cho người có công, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới được các cấp, các ngành tích cực thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm 2022 giảm khoảng 2,55%, đạt kế hoạch đề ra.

Các chính sách dân tộc được triển khai đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực khó khăn có điều kiện phấn đấu, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp, đồng thời thường xuyên theo dõi sát tình hình, chủ động ngăn chặn các âm mưu, ứng phó kịp thời các tình huống, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh, đó là các chỉ số quan trọng như cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số năm 2021 của tỉnh đều tăng nhiều bậc trong xếp hạng toàn quốc. Từ một tỉnh từng xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX của cả nước ở năm 2014, tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xây dựng một nền hành chính công minh bạch, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì dân phục vụ, đến năm 2021, chỉ số này của Bắc Kạn đã xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố và tăng 5 bậc so với năm 2020.

Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Bắc Kạn tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này thể hiện tinh thần cầu thị của tỉnh trong việc mời gọi, thu hút đầu tư là rất lớn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho 15 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.000 tỷ đồng, những con số này đang góp phần tạo thêm động lực lớn cho tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sau một năm đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ, trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số năm 2021, tỉnh Bắc Kạn tăng 8 bậc (từ vị trí thứ 59 năm 2020 lên vị trí thứ 51). Đặc biệt, xếp hạng về các chỉ số Nhân lực số, Hoạt động kinh tế số đều nằm trong Top 20, Hạ tầng số nằm trong Top 30. Dù thứ hạng các chỉ số đạt được của Bắc Kạn trong năm 2021 vẫn còn khiêm tốn, nhưng mỗi sự thay đổi đều là tín hiệu lạc quan, cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh trong xây dựng chính quyền số, chính quyền hành động vì dân phục vụ…

Cùng với tăng 03 chỉ số quan trọng, cuối tháng 11/2022, tỉnh Bắc Kạn được Hội đồng thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đánh giá rất cao về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, cùng các sở, ngành đã nghiên cứu lập, hoàn thành được quy hoạch này. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh Bắc Kạn lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn. Là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển…

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2022 tỉnh còn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra. Đó là số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm; số trường đạt chuẩn quốc gia tăng thêm; số xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã tăng; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh theo mức độ 4. Công tác thực hiện các chương trình MTQG, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 chậm. Các hoạt động dịch vụ du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động còn cao. Số lượng hợp tác xã thành lập mới và dự án đầu tư được chấp thuận thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021…

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác thị sát thực địa khu vực dự kiến đầu tư dự án chế biến cát nhân tạo tại xã An Thắng (Pác Nặm).

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác thị sát thực địa khu vực dự kiến đầu tư dự án chế biến cát nhân tạo tại xã An Thắng (Pác Nặm).

Bám sát mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, bước vào năm 2023, tỉnh đề ra một số mục tiêu, giải pháp như: Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hoá. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sau thu hoạch. Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát triển du lịch và dịch vụ. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một số mục tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GRDP 7%/năm; GRDP bình quân đạt 50 triệu đồng/người trở lên; tổng thu ngân sách dự ước đạt 955 tỷ đồng; trồng mới 3.900ha rừng; phát triển mới từ 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; tăng thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới 35 HTX; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 2 – 2,5%; chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh tăng 01 bậc trở lên; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 01 bậc trở lên; chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh tăng từ 02 bậc trở lên; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt từ 70% trở lên…

Về định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2023, đó là tiếp tục tập trung thực hiện 04 chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII theo các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế các lĩnh vực nông - lâm nghiệp; công nghiệp - xây dựng; phát triển thương mại - dịch vụ; doanh nghiệp, hợp tác xã; thu chi ngân sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - phát triển khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; công tác an sinh xã hội; dân tộc, tôn giáo; tài nguyên và môi trường; công tác nội chính; quốc phòng - an ninh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội…/.

Xem thêm