Khai thác, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ rừng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể

Ngày 05/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Sơ kết 01 năm thực hiện Dự án “Khai thác, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCC) của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”.

Tham dự có bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu cùng các chuyên gia của Dự án; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan; lãnh đạo huyện Ba Bể và các xã Hoàng Trĩ, Quảng Khê cùng đại diện 20 hộ dân tham gia.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền- Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu phát biểu tại hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu phát biểu tại hội nghị.

Dự án thuộc Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP-GEF SGP), với tổng kinh phí thực hiện trên 1,1 tỷ đồng, được triển khai trong 2 năm (từ tháng 7/2021 – 6/2023). Nhằm vận dụng kiến thức bản địa của đồng bào các dân tộc để góp phần bảo vệ và phát triển bền vững rừng, bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Ba Bể và các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển sinh kế, tạo môi trường sống an toàn về sinh thái của đồng bào vùng đệm.

Qua 01 năm triển khai tại các xã Hoàng Trĩ và Quảng Khê, Dự án tập trung vào các hoạt động vệ sinh rừng và bảo tồn loài kiến; tập huấn vệ sinh rừng theo kỹ thuật đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng; tập huấn về khai thác sử dụng trứng kiến theo hướng bảo tồn. Thành lập 3 tổ hợp tác về khai thác trứng kiến bền vững, an toàn thực phẩm; bàn giao dụng cụ bảo hộ, tủ lạnh cho các tổ hợp tác; tổ chức cuộc thi làm bánh trứng kiến, xôi trứng kiến.

Đối với mô hình trồng cây dược liệu và trồng mới, cải tạo, thâm canh cây ăn quả đặc sản, đến nay Dự án đã trồng 1,2ha cây hoài sơn, 3.000m2 giảo cổ lam, 1ha hồng giống LT1; cải tạo, thâm canh 2ha hồng không hạt địa phương…

Ngoài ra, Dự án còn vận dụng các kiến thức bản địa về bảo vệ rừng, PCCC rừng trong thơ ca cổ của đồng bào địa phương, xây dựng hương ước, quy ước, tài liệu hướng dẫn quản lý rừng do cộng đồng thực hiện và soạn thảo tài liệu khuyến lâm; củng cố các tổ chức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong thôn bản.

Đại diện Quỹ UNDP- GEF SGP, Ban điều hành dự án, các chuyên gia kiểm tra mô hình cải tạo, thâm canh hồng không hạt tại xã Quảng Khê (Ba Bể).
Đại diện Quỹ UNDP- GEF SGP, Ban Điều hành Dự án và các chuyên gia kiểm tra mô hình cải tạo, thâm canh hồng không hạt tại xã Quảng Khê (Ba Bể).

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả Dự án, như: Triển khai mô hình vệ sinh rừng, bảo tồn loài kiến đen lấy trứng làm thực phẩm đối với các xã có địa hình, điều kiện địa lý tương tự vùng dự án; cải tạo diện tích hồng không hạt địa phương và mở rộng diện tích trồng mới giống cây hồng LT1; tiếp tục nhân rộng các mô hình và quan tâm nghiên cứu, triển khai những mô hình gắn với phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương…

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu cho rằng: Với số vốn đầu tư không nhiều nhưng hiệu quả của Dự án rất đáng ghi nhận. Ban Điều hành Dự án đã linh hoạt giải quyết và khắc phục kịp thời những khó khăn nảy sinh, tạo được sự đồng thuận của người dân và có sự tham gia của các tổ chức hội, đoàn thể trong tổ chức thực hiện, đóng góp bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng đệm. Dự án gợi mở nhiều tiềm năng phát triển ở địa phương.

Thời gian tới, Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu sẽ tiếp tục quan tâm đến Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Trước hết là việc quan sát, tìm kiếm các ý tưởng phù hợp với tiêu chí của nhà tài trợ. Địa phương và các sở, ngành, tổ chức hội cần tiếp tục quan tâm, có những hoạt động cụ thể gắn với huy động các nguồn lực; chủ động tiếp cận sự hỗ trợ từ đội ngũ các chuyên gia và nỗ lực triển khai, hoàn thiện các mục tiêu đề ra.../.

Anh Thúy

Xem thêm