Kết nối việc làm cho lao động miền núi

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho các công ty đến tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Kết quả mang lại đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần vào công tác giảm nghèo.
Các công ty, doanh nghiệp được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tư vấn, tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nhiều thị trường.

Các công ty, doanh nghiệp được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tư vấn, tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nhiều thị trường.

Bà Nguyễn Thanh Vân, Công ty Cổ phần phát triển giáo dục và nhân lực quốc tế Bình Minh (thành phố Hà Nội) chia sẻ: 03 năm gần đây, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tư vấn, lựa chọn và tuyển dụng được trên một nghìn lao động tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Ngân Sơn… Trong đó phần lớn là tuyển dụng lao động đi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số ít làm việc tại các công ty trong nước.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Vân thì bình quân thu nhập của lao động đều đạt trên dưới 20 triệu đồng/người/tháng. Thời gian gần đây nhận thức của đại bộ phận người lao động đã được nâng lên nên có sự chủ động hơn trong việc tiếp cận, thăm nắm thị trường và lựa chọn công việc phù hợp với khả năng của mình, từ đó mạnh dạn lựa chọn thị trường phù hợp để làm hồ sơ. Hiện nay, đối với người lao động khi lựa chọn đi xuất khẩu lao động đều được tiếp cận nguồn tài chính từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước nên gia đình người lao động rất yên tâm, tin tưởng. Hầu hết các lao động sau khi đi làm đều gửi tiền về trả ngân hàng và có một khoản thu nhập giúp gia đình cải thiện cuộc sống.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động luôn được các địa phương chú trọng quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Cụ thể: Từ năm 2021 đến nay, huyện Ba Bể đã đào tạo nghề cho hơn 1.450 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 3.100 lao động, trong đó xuất khẩu lao động có gần 500 người. Năm 2023, huyện Pác Nặm đã giải quyết việc làm cho trên 1.700 lao động, trong đó xuất khẩu lao động gần 400 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có 1.807 người đi làm việc ở nước ngoài (đạt 258% kế hoạch UBND tỉnh giao), tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2023 tỉnh Bắc Kạn thực hiện hỗ trợ trên 3.500 người thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn tham gia học nghề và hỗ trợ chi phí học nghề; hơn 8.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện Ba Bể và Pác Nặm cho thấy: Hiện nay nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động khá dồi dào, trình độ người lao động trong độ tuổi cũng được nâng lên, trong đó có một phần đã qua đào tạo bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, kinh phí đào tạo và xuất khẩu lao động đều được thực hiện và triển khai dễ dàng, nhanh chóng thông qua các chính sách của Nhà nước nên người lao động rất yên tâm, chỉ cần có quyết tâm cao và nỗ lực thì sẽ có việc làm, có thu nhập khá tại các thị trường tiềm năng.

Tỉnh Bắc Kạn luôn xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, qua đó chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ người lao động.

Những kết quả đạt được từ việc giải quyết việc làm sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân./.

Xem thêm