Kết nối giao thông để du lịch Ba Bể "cất cánh"

Hồ Ba Bể là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của Bắc Kạn với thiên nhiên kỳ thú cùng sự đa dạng về sinh học. Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt này đang đứng trước cơ hội lớn để du lịch "cất cánh", bởi mạng lưới giao thông đang được đầu tư, kết nối tới đây.

Hồ Ba Bể là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của Bắc Kạn với thiên nhiên kỳ thú cùng sự đa dạng về sinh học. Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt này đang đứng trước cơ hội lớn để du lịch "cất cánh", bởi mạng lưới giao thông đang được đầu tư, kết nối tới đây.

Góc nhỏ hồ Ba Bể
Góc nhỏ hồ Ba Bể.

Những đổi thay bước ngoặt

Hồ Ba Bể cách Thủ đô Hà Nội 230km về phía Bắc. Để thúc đẩy phát triển du lịch Ba Bể, những năm qua tỉnh Bắc Kạn luôn dành nguồn lực đầu tư phát triển giao thông trong tỉnh nói chung và du lịch Ba Bể nói riêng. Hiện nay, để đến với du lịch Ba Bể có hai tuyến đường chính. Thứ nhất là tuyến huyết mạch phát triển du lịch từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay. Từ thành phố Bắc Kạn theo QL3 hướng Cao Bằng khoảng 20km, rẽ trái vào tỉnh lộ 258; từ tỉnh lộ 258 vào hồ Ba Bể khoảng hơn 50km, tuyến đường này đi qua trung tâm huyện Ba Bể. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm nâng cấp, cải tạo tuyến tỉnh lộ 258, tạo điều kiện giúp người dân, nhà đầu tư, phát triển du lịch.

Sau khi cải tạo, nâng cấp, từ chỗ đường cong cua, độ dốc lớn nay tỉnh lộ 258 đã rộng hơn, thẳng hơn và dốc thấp hơn. Chưa dừng lại ở đó, để phát triển du lịch liên vùng, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đầu tư nâng cấp cải tạo đường tỉnh 254, QL3C kết nối từ huyện Định Hóa (Thái Nguyên) qua huyện Chợ Đồn đến hồ Ba Bể. Hàng trăm tỷ đồng đã được tỉnh đầu tư nhằm cải tạo, nâng cấp và đưa tuyến đường này vào khai thác.

Hạ tâng du lịch đã và đang được đầu tư
Hạ tầng du lịch đã và đang được đầu tư.

Anh Nguyễn Văn Từ- người dân thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu (Ba Bể) chia sẻ: "Gần 50 năm lớn lên ở đây, sống dựa vào hồ là chủ yếu, đường giao thông là yếu tố rất quan trọng với người dân chúng tôi. Nhà nước đầu tư nâng cấp đường tốt hơn thì lượng du khách cũng nhiều hơn. Tôi mong muốn tỉnh sớm đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới giao thông để người dân vùng hồ thực sự sống được bằng du lịch".

Từ hai tuyến đường chính kết nối du lịch Ba Bể trong những năm qua, lượng du khách đến Ba Bể năm sau luôn cao hơn năm trước. Số cơ sở lưu trú của huyện cũng tăng, với 83 cơ sở cùng 945 phòng. Trong đó có 15 khách sạn, 04 nhà nghỉ du lịch; nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) có 55 cơ sở; số cơ sở chưa gửi hồ sơ thông báo hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch là 09. Tính đến trước đại dịch Covid-19, năm 2019 là năm có lượng khách đến với Ba Bể cao nhất với hơn 528.000 lượt.

Cơ hội cho ngành "kinh tế xanh" bứt phá

Ông Nguyễn Văn Hà- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Những năm qua, du lịch Ba Bể không ngừng tăng trưởng, phát triển về mọi mặt. Lượng khách đến tăng cao, các dịch vụ được đầu tư cải thiện, chất lượng dịch vụ phòng ngủ, nhà hàng, dịch vụ đưa đón khách tham quan đều được nâng cao chất lượng. Người dân trong vùng đã biết làm du lịch. Họ là những hướng dẫn viên, tuyên truyên viên đến du khách, nhiều người nói tiếng Anh rất tốt. Không chỉ du khách trong nước hài lòng khi đến Ba Bể du lịch, mà ngay cả khách quốc tế đến với Ba Bể cũng có nhiều lựa chọn thú vị như: Du lịch sinh thái, thưởng ngoạn, khám phá, nghỉ dưỡng… Để có được du lịch Ba Bể phát triển như hôm nay, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Những người làm du lịch như chúng tôi rất vui mừng khi tỉnh đầu tư tuyến đường mới thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Dự kiến đến năm 2023, khi hoàn thành tuyến đường này thì từ Hà Nội đến hồ Ba Bể chỉ còn khoảng hơn 2h xe ô tô chạy. Đường giao thông đang là yếu tố quan trọng nhất để phát triển du lịch Ba Bể, nút thắt về giao thông đã được tỉnh đầu tư tháo gỡ.

Du khách thăm quan hồ Ba Bể bằng phương tiện đường thủy là chủ yếu
Du khách tham quan lòng hồ Ba Bể bằng phương tiện đường thủy.

Hiện nay ngoài đường bộ, du lịch Ba Bể đã có thêm tuyến đường thủy nội địa sông Năng - hồ Ba Bể với tổng chiều dài gần 29,2km, được chia thành 2 nhánh: Nhánh 1 dài 22,2km, điểm đầu là cầu Pác Co (thị trấn Chợ Rã, Ba Bể) và điểm cuối là thác Đầu Đẳng; nhánh 2 có chiều dài 7km, điểm đầu là ngã ba sông Năng giao với hồ Ba Bể, điểm cuối là Km7+700 tại bờ Bắc hồ Ba Bể. Hầu hết khách đi tham quan lòng hồ Ba Bể bằng tuyến đường sông với khoảng 200 thuyền chở khách do người dân làm dịch vụ.

Xác định du lịch Ba Bể là trọng tâm để phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Kạn quyết tâm đầu tư hạ tầng giao thông tới đây. Ngày 25/11/2021, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức lễ khởi công tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể. Đây là dự án trọng điểm để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương. Tuyến đường có chiều dài toàn tuyến 39km, theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, quy mô nền đường rộng 9m do Sở GTVT Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Tổng nguồn vốn công trình hơn 2.300 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng đã xây dựng phương án kết nối tuyến đường này sang khu du lịch Na Hang, tỉnh Tuyên Quang với chiều dài 19km, đồng thời xây dựng thêm 2 tuyến đường vòng quanh hồ Ba Bể với tổng kinh phí dự kiến hơn 3.400 tỉ đồng. Đây là những dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đưa du lịch Ba Bể trở thành mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.

Tuyến đường thành phố-hồ Ba Bể đang được thi công xây dựng
Tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể đang được thi công xây dựng.

Mạng lưới giao thông đang được đầu tư đã tạo điểm nhấn quan trọng để thu hút đầu tư vào tỉnh. Từ Hà Nội đi Bắc Kạn sẽ chỉ còn khoảng hai giờ đồng hồ lái xe ô tô; tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể sau khi hoàn thành việc di chuyển cũng chỉ mất khoảng 40 phút. Nếu tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng được đầu tư, thì việc đi lại giữa hai tỉnh cũng chỉ mất hơn một giờ xe chạy. Nhờ những liên kết giao thông quan trọng này, Bắc Kạn sẽ trở thành trung tâm kinh tế, du lịch trong khu vực với điểm nhấn là du lịch hồ Ba Bể./.

Trần Tuyến

Xem thêm