Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7:

Kế hoạch hóa gia đình là tiền đề để phát triển bền vững

Lèng Hoàng Thái Huân- Chi cục Trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ

Lèng Hoàng Thái Huân- Chi cục Trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ

Những năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai thực hiện công tác dân số trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về dân số.

Chăm sóc trẻ phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ ngay từ bậc học mầm non là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dân số
Chăm sóc trẻ phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ ngay từ bậc học mầm non là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Ngay sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về công tác dân số trong tình hình mới” được ban hành, Bắc Kạn đã được quán triệt nội dung Nghị quyết tới từng cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị bằng Chương trình hành động số 13 ngày 22 tháng 1 năm 2018 về công tác dân số trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 13, với  mục tiêu chung chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Tỉnh Bắc Kạn sớm đạt được mức sinh thay thế vào năm 2009 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) và duy trì trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây mức sinh có sự biến động khó kiểm soát, khó có thể duy trì được mức sinh thay thế. Năm 2017, tỷ suất sinh là 14,6‰, giảm 0,15‰ so với năm 2016; tổng các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 13.949 người, đạt 93% kế hoạch. Bên cạnh đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ được tiếp tục duy trì thường xuyên tại các trạm y tế có đủ điều kiện; các dự án, đề án, mô hình, như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng… tiếp tục được thực hiện ngày càng hiệu quả…

Tuy nhiên, công tác dân số - KHHGĐ hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng mất cân đối ở tất cả các địa phương; chất lượng dân số còn hạn chế, nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn bất cập... Bắc Kạn đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở cả thành thị và nông thôn, vùng trung tâm và vùng cao, vùng sâu; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của năm 2017 là 7,75%, tăng 0,42% so với năm 2016; tỷ số giới tính khi sinh có chiều hướng giảm nhưng không ổn định, năm 2010 là 117 (117 bé trai/100 bé gái), năm 2015 là 114,4 và năm 2017 là 109,7 (cao hơn mức bình thường cho phép là 104 đến 107)... Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang có chiều hướng gia tăng trở lại, nhất là các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai ngoài ý muốn và phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên cũng có chiều hướng gia tăng; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở một số vùng dân tộc thiểu số vẫn tồn tại, để lại hệ lụy làm giảm chất lượng dân số.

Hàng năm, kinh phí địa phương dành cho công tác Dân số - KHHGĐ của Bắc Kạn không ít (khoảng 7 tỷ đồng) nhưng chủ yếu chi cho con người làm công tác dân số - KHHGĐ ở cơ sở (cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số thôn bản); kinh phí đầu tư triển khai các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số còn hạn hẹp, không mở rộng được địa bàn triển khai của các mô hình, đề án. Đặc biệt, không có kinh phí thực hiện dịch vụ KHHGĐ, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, cung cấp bao cao su cho đối tượng được miễn phí (người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách), ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sử dụng các phương tiện tránh thai hiện đại trong 6 tháng đầu năm 2018 cũng như kết quả của năm 2016, 2017.

Trên tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 duy trì mức sinh thay thế, quy mô dân số đạt 356.700 người.  Tỉ số giới tính khi sinh dưới 110 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 50%; giảm 50% số cặp tảo hôn và số cặp hôn nhân cận huyết thống; 40% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 60% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân đạt 74,5 tuổi, trên 90% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe. Chiều cao trung bình người 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ đạt 156cm, 90% dân số của tỉnh được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc…

Để thực hiện được những mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn đề ra 7 nhóm giải pháp. Trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân số; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế chính sách và thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách về công tác dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số, đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế.

Để thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của mọi người dân trong hành vi dân số. Cùng với đó, tỉnh cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác dân số gắn với phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ; thực hiện hiệu quả các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số qua các mô hình, đề án; tập trung chỉ đạo, tuyên truyền để giảm sinh ở những địa bàn có mức sinh còn cao; đề ra được các giải pháp hiệu quả khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; bảo đảm kinh phí địa phương để thực hiện các hoạt động dân số - KHHGĐ, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển./.

Xem thêm