Huyền thoại về người lái xe Trường Sơn anh hùng

Tôi đến thăm anh hùng LLVT nhân dân Hà Văn Vấn khi ông đang bị ốm. Những gian khổ, ác liệt và chất độc màu da cam của chiến tranh đã làm một người lính lái xe quả cảm năm xưa giờ đau ốm triền miên. Các khớp gối, cổ chân cứ trồi ra những cục xương tròn, nhỏ, cứng khiến việc vận động của ông hết sức khó khăn. Thêm nữa, bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp làm ông nhức lên tận óc mỗi khi trái gió trở trời. Khiêm tốn, giản dị, ông luôn lắc đầu, xua tay mỗi khi ai đó muốn hỏi về thành tích cá nhân mình.

Tôi đến thăm anh hùng LLVT nhân dân Hà Văn Vấn khi ông đang bị ốm. Những gian khổ, ác liệt và chất độc màu da cam của chiến tranh đã làm một người lính lái xe quả cảm năm xưa giờ đau ốm triền miên. Các khớp gối, cổ chân cứ trồi ra những cục xương tròn, nhỏ, cứng khiến việc vận động của ông hết sức khó khăn. Thêm nữa, bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp làm ông nhức lên tận óc mỗi khi trái gió trở trời. Khiêm tốn, giản dị, ông luôn lắc đầu, xua tay mỗi khi ai đó muốn hỏi về thành tích cá nhân mình.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm. Những câu chuyện đầy bom đạn và khói lửa chiến tranh cũng đã dần lùi xa vào dĩ vãng. Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng, nhiều thế hệ cha anh đã đánh đổi biết bao nhiêu máu, nước mắt, tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay cần phải biết những câu chuyên oanh liệt hào hùng và bi thương đó để làm hành trang cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Anh hùng Hà Văn Vấn cùng vợ và cháu nội tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới.
Anh hùng Hà Văn Vấn cùng vợ và cháu nội tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới.


Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn, lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn đều ghi nhận rằng tỉnh Bắc Kạn chỉ có 3 người được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là liệt sỹ- anh hùng Nguyễn Văn Thoát, anh hùng Nguyễn Văn Tấn và anh hùng Hà Văn Vấn.


Anh hùng Hà Văn Vấn sinh năm 1944, quê ở xã Nông Hạ (Chợ Mới). Sinh ra ở thời đất nước đang chiến tranh loạn lạc, anh thanh niên người Tày Hà Văn Vấn lựa chọn con đường sự nghiệp của mình là cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Năm 1965, khi 21 tuổi, Hà Văn Vấn nhập ngũ cùng với nhiều anh em đồng đội là con em các dân tộc tỉnh Bắc Kạn lên đường vào nam chiến đấu. Anh Vấn nhập ngũ và được biên chế về Đoàn 559- đoàn vận tải trực thuộc Bộ Quốc phòng và được học lái xe 3 tháng ở trung đoàn xe 265 trước khi trở thành lính lái xe Trường Sơn. Đường Trường Sơn ngày ấy là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Đường 9- Khe Sanh sang Lào là cung đường mà anh Vấn và đồng đội lái xe vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực và thuốc men cho chiến trường. Giai đoạn 1967-1970 là giai đoạn địch đánh phá ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Trị. Chiến tranh gian khổ, ác liệt, lương thực nhiều lúc không đủ, phải ăn măng rừng thay cơm, thiếu thốn đủ bề nhưng tất cả những khó khăn ấy chỉ làm cho tinh thần người lính lái xe Hà Văn Vấn thêm vững vàng để rèn luyện mình trở thành một lái xe giỏi.


Thành tích nổi bật của Hà Văn Vấn được đồng đội và cấp trên ghi nhận là: “Giai đoạn 1967-1970, vượt qua đánh phá ác liệt của kẻ thù, anh Vấn vượt cung, vượt chặng, vượt kế hoạch, dũng cảm cứu xe cứu hàng chuyển gần 1.500 tấn hàng ra mặt trận. Mỗi tháng lái xe từ 28, thậm chí là 30 đêm, mỗi đêm chạy từ 100 - 120km. Năm nào cũng dẫn đầu về vượt cung, vượt chặng, đạt trên vạn ki-lô-mét an toàn. Sau mỗi lần chạy đều bảo dưỡng xe sạch sẽ, cất giấu an toàn, 3 năm xe không hỏng dụng cụ, không mất mát. 4 lần xe bị trúng bom đạn là 4 lần dũng cảm cứu xe, cứu hàng. Trên 100 lần chữa xe, kéo xe, giấu xe giúp đồng đội rồi mới đi tiếp. Khi xe bạn và xe anh đều bị bắn bục lốp thì anh đã nhường lốp xe dự phòng của mình cho bạn rồi mới vá lại lốp xe mình để đi tiếp. Anh tham gia bốc hàng nhanh, gọn đúng với phương châm hành động của Đoàn 559 là “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Anh Vấn được tặng 4 huân chương chiến công hạng 3, 3 lần đạt danh hiệu Chiến sỹ quyết thắng, ngày 1/10/1971 được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Chừng ấy tóm tắt trong báo cáo thành tích cá nhân thôi đã đủ nói lên phẩm chất sáng ngời của người lính bộ đội Cụ Hồ Hà Văn Vấn. Câu khẩu hiệu của người lái xe “Yêu xe như con, quý xăng như máu” được anh Vấn thực hiện với tất cả tình cảm và trách nhiệm. Có nhiều lý do để anh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, nhưng trước hết, anh Vấn là một người lái xe giỏi. Lái xe giỏi- đó là một năng khiếu. Không phải ai sinh ra cũng có thể làm được lái xe. Lái xe ở đường bằng đã khó, đằng này lại là lái xe ở chiến trường. Đường Trường Sơn gập ghềnh, khúc khuỷu, lên thác xuống ghềnh, bom đạn làm xe vỡ hết kính, bụi mù mịt, mưa rừng, gió núi “xoa mắt đắng” mà đêm nào anh cũng đi, tháng nào cũng vượt kế hoạch, vượt cung, vượt chặng an toàn. Không chỉ lái xe giỏi, anh Vấn  còn là người hết lòng vì đồng đội, chia ngọt sẻ bùi với đồng đội, nhận lấy cái gian khó cho mình để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.


Anh hùng Hà Văn Vấn nhớ lại một kỷ niệm đau thương mà ông không sao quên được. Đó là một đêm rạng sáng năm 1968, chiếc xe của ông chở 7 thương binh và 1 y tá, chạy về gần đến đơn vị thì xe bị trúng bom bi. 8 người trên xe chết cả, mình ông may mắn thoát chết. Cũng thời điểm ấy, em trai ruột của ông Vấn- Hà Văn Tý cũng là lính vận tải hi sinh ở chiến trường miền nam. Sự mất mát đau thương của người thân và đồng đội càng rèn luyện cho người lái xe Hà Văn Vấn lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Đoàn vận tải 559 quân số có lúc lên tới 20.000 người nhưng chỉ có 44 chiến sỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đã có một thời, người ta lấy anh Vấn làm gương cho các chiến sĩ lái xe khắp các mặt trận ác liệt ấy. Thành tích nhiều, được nhiều người ngưỡng mộ, báo chí thời điểm ấy dành nhiều trang viết trân trọng về anh hùng Hà Văn Vấn. Cũng nhờ bài báo dán ở cửa hàng thương nghiệp, vợ ông Vấn biết và cảm phục những thành tích của ông, 2 năm sau họ nên vợ nên chồng. Tâm thế của người trai Tày ấp ủ trong tim hình ảnh của quê hương đại ngàn, của con sông Cầu nước biếc, hình ảnh cha mẹ, người yêu là hành trang để ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và luôn rộng lòng vị tha, khiêm nhường, hi sinh vì đồng đội. 


Tôi đến thăm anh hùng Hà Văn Vấn khi ông đang bị ốm. Những gian khổ, ác liệt và chất độc màu da cam của chiến tranh đã làm một người lính lái xe quả cảm năm xưa giờ đau ốm triền miên. Các khớp gối, cổ chân cứ trồi ra những cục xương tròn, nhỏ, cứng khiến việc vận động của ông hết sức khó khăn. Thêm nữa, bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp làm ông nhức lên tận óc mỗi khi trái gió trở trời. Khiêm tốn, giản dị, ông luôn lắc đầu, xua tay mỗi khi ai đó muốn hỏi về thành tích cá nhân mình. Tiếp khách một lúc, mệt quá, ông xin phép đi nghỉ. Vợ ông, bà Tạ Thị Rinh vốn là cô giáo cấp 1 trường làng tiếp tục câu chuyện. Trước khi lấy ông Vấn, bà đã biết ông là bộ đội và được phong tặng danh hiệu anh hùng. Hai ông bà chưa hề gặp mặt trước khi lấy nhau. Bà bảo, bà yêu màu xanh áo lính nên khi bố mẹ ông Vấn đến hỏi, bà đã đồng ý. Hai ông bà tổ chức lễ cưới khi ông Vấn được về nghỉ phép năm 1973. Vậy mà mãi đến năm 1981 họ mới có đứa con đầu lòng. Một phần vì ông bà xa nhau biền biệt, cưới xong ông lại vào chiến trường tiếp tục chiến đấu, còn bà ở nhà ngóng đợi tin chồng. Năm 1976 bà Rinh có mang nhưng rồi cứ liên tiếp bị sảy. Có lẽ chất độc màu da cam ác nghiệt mà ông Vấn bị ảnh hưởng khiến người vợ khó đơm hoa kết trái. Sảy thai đến lần thứ ba thì người làng độc miệng bảo rằng bao giờ trâu đực biết đẻ thì cô Rinh mới đẻ được. Đau đớn, tủi nhục, chồng thì công tác ở xa, lâu lâu mới về thăm nhà, bà Rinh đã khóc không biết bao nhiêu nước mắt. Ông Vấn khi ấy công tác trong quân đội ở Hà Nội và vẫn gửi thư động viên vợ ở nhà cố gắng làm tròn bổn phận, rồi chuyện gì đến sẽ đến. Những lời động viên của chồng khiến bà Rinh vững vàng hơn để ngày ngày vẫn lên lớp dạy lũ trẻ trường làng, chiều về lại quần quật làm việc đồng áng với nhà chồng. Đến năm 1981, khi có mang lần thứ 4, bà Rinh sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Được đứa con trai đầu lòng, lần mang thai tiếp theo, bà Rinh lại bị sảy. Cũng may sau đó trời thương cho ông bà thêm hai cậu con trai nữa.


Giờ, anh con trai của ông bà Vấn đang công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Chợ Mới. Anh thứ hai nối nghiệp bố, công tác tại Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn. Anh  thứ 3 sống cùng ông bà tại xã Nông Hạ- Chợ Mới.


Căn nhà ông Vấn ở cũng giản dị như chính con người ông vậy. Nằm ngay cạnh quốc lộ 3, hằng ngày ngắm những chiếc xe nối đuôi nhau chạy qua trước nhà, ông Vấn không sao quên được những năm tháng ngồi sau tay lái vượt qua mưa bom bão đạn. Đã gần đến tuổi thất thập cổ lai hy, ông Vấn chỉ mong thế hệ trẻ hôm nay hãy tiếp tục sống và cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước. Ông muốn những người trẻ hãy dẹp mọi ích kỷ cá nhân đòi hỏi hưởng thụ quá sớm mà quên đi lẽ sống ở đời. Và câu thơ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu chính là thông điệp người anh hùng lái xe Trường Sơn năm xưa muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ hôm nay: “Nếu là con chim chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Đời lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”./.

Nguyễn Lan Hiển

Xem thêm