Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 được triển khai từ ngày 10/11 đến 10/12/2019 với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 được triển khai từ ngày 10/11 đến 10/12/2019 với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”.

Uống Methadone tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh
Uống Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Mục tiêu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm thực hiện được mục tiêu của “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030" và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS”; nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn trong dự phòng lây nhiễm; tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình truyền thông nhằm tuyên truyền để tất cả mọi người đều có trách nhiệm chung tay phòng, chống HIV/AIDS.

Theo thống kê của Sở Y tế, kể từ khi Bắc Kạn phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1997, đến nay lũy tích số người nhiễm HIV là trên 1.980 bệnh nhân nội tỉnh và 136 bệnh nhân ngoại tỉnh. Số bệnh nhân HIV hiện sống và quản lý được là 910 bệnh nhân, trong đó 608 người đang được điều trị ARV. Hiện nay có gần 700 bệnh nhân đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, tỉnh Bắc Kạn triển khai nhiều hoạt động nhằm huy động sự tham gia của lãnh đạo, người hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Trong đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tổ chức triển khai các hoạt động trong Tháng hành động phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo về các chủ đề: Dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm HIV tại cộng đồng; chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, tại trường học và nơi làm việc...

Công tác tuyên truyền được các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai. Trong đó bao gồm tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn nói chuyện trực tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… Nội dung truyền thông, tư vấn chú trọng vào các nội dung: Lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; điều trị bằng thuốc ARV; tuyên truyền về Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS…

Công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú như: Tư vấn trực tiếp; truyền thông đại chúng; truyền thông trên hệ thống mạng xã hội và các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị… Vận động các tổ chức xã hội và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12).

Các hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS được chú trọng triển khai như: Xét nghiệm HIV, duy trì phát thuốc tại các điểm cấp phát thuốc Methadone, điểm cấp phát thuốc ARV cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV…

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân./.

Hồng Hạnh

Xem thêm