Bắc Kạn - TP. Hồ Chí Minh:

Hợp tác phát triển KTXH, tạo động lực phát huy tiềm năng, thế mạnh

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bắc Kạn và T.P Hồ Chí Minh được ký kết thỏa thuận lần đầu tiên ngày 28/5/2008. Theo đó, hợp tác song phương đã có những bước tiến đáng kể, đồng thời cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục cần nâng cao hiệu quả trong giai đoạn tới.
Lễ ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 giữa TP. Hồ Chí Minh và 09 tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Lễ ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 giữa TP. Hồ Chí Minh và 09 tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Những dấu ấn nổi bật

Từ năm 2008, sau khi chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác, 02 địa phương đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, văn hóa, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động an sinh xã hội.

Tỉnh Bắc Kạn đã nhận được sự tài trợ của Công ty Hệ thống thông tin FPT - FIS trong việc xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử của tỉnh và hệ thống chính quyền điện tử tại UBND thị xã Bắc Kạn từ năm 2009 (nay là UBND thành phố Bắc Kạn), với tổng kinh phí tài trợ trên 1,8 tỷ đồng. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn đang hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, góp phần hình thành hạ tầng Chính phủ điện tử ở địa phương.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, TP. Hồ Chí Minh trao tặng 21 tỷ đồng cho tỉnh Bắc Kạn để thực hiện bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn. Ngoài ra, 02 địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối thông tin, xúc tiến thương mại, văn hóa - thể thao, hợp tác phát triển du lịch...

Chương trình hợp tác phát triển KT-XH sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX của Bắc Kạn kết nối với nhà phân phối hiện đại, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình hợp tác phát triển KT-XH sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX của Bắc Kạn kết nối với nhà phân phối hiện đại, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn quốc, mối quan hệ gắn bó giữa TP. Hồ Chí Minh và Bắc Kạn đã được thể hiện rõ nét qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn của đại dịch. Trong năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã gửi hàng hóa, nông sản và cử 34 cán bộ y tế tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19. Ngược lại, TP. Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ Bắc Kạn 550 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nhận rõ những hạn chế

Hiện có 05 doanh nghiệp, HTX của tỉnh Bắc Kạn (Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn, Công ty cổ phần Curcumin Bắc Hà, HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX Tài Hoan, HTX Nhung Lũy) có hệ thống đại lý, cộng tác viên tiêu thụ hàng hóa với các mặt hàng như tinh bột nghệ, curcumin nghệ, miến dong và các sản phẩm nông sản khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, do khoảng cách về địa lý giữa 02 địa phương khá xa nên còn nhiều khó khăn trong triển khai các nội dung hợp tác, nhiều hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin. Số lượng dự án của các nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh chưa tương xứng với tiềm năng, tiềm lực, thế mạnh của Bắc Kạn. Một số dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động; chưa có nhiều dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến...

Từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh đã triển khai 7 dự án đầu tư tại tỉnh Bắc Kạn, với tổng vốn đăng ký trên 1.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 01 dự án đang hoạt động (Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể của Công ty cổ phần Sài Gòn - Ba Bể); 01 dự án tạm ngừng hoạt động (Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco) và 05 dự án chấm dứt hoạt động (Dự án Nhà máy chế biến gỗ, Dự án Nhà máy sản xuất MDF, Dự án Xưởng sản xuất ván dăm tận dụng - Nhà máy chế biến gỗ, Dự án Xưởng sản xuất viên nén nhiên liệu đốt - Nhà máy chế biến gỗ Sahabak, Dự án trồng rừng nguyên liệu trong Nhân dân của Công ty Cổ phần Sahabak).

Chuyển hóa tiềm năng thành giá trị cụ thể

Khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước, đảm bảo mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh Bắc Kạn và TP. Hồ Chí Minh xác định Chương trình hợp tác song phương giai đoạn 2023 – 2025 triển khai trên cơ sở liên kết phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, sản phẩm định lượng được.

Bắc Kạn có lợi thế về tài nguyên rừng, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch, đây cũng là những lĩnh vực mà tỉnh đang mời gọi, thu hút đầu tư. Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư liên kết sản xuất - tiêu thụ, thúc đẩy giao thương các sản phẩm nông - lâm sản, sản phẩm OCOP giữa 02 địa phương; triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, dự án sản xuất trong cụm công nghiệp, dự án sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị với các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; chia sẻ kinh nghiệm về thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất thông minh tại tỉnh Bắc Kạn

Nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch Bắc Kạn phát triển, TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Tổng Công ty du lịch Sài Gòn TNHH MTV ưu tiên nguồn lực đầu tư giai đoạn 2 của Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể; phối hợp triển khai thực hiện các nội dung của thỏa thuận về hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2020 - 2025 ký kết ngày 20/11/2020 tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn tham gia các chương trình, sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đầu tư phát triển du lịch Bắc Kạn.

Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025 giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Kạn được ký kết ngày 25/3/2023 là một dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác song phương. Dấu ấn của sự hợp tác sẽ được định lượng rõ bằng các công trình, dự án, hoạt động đầu tư...với mục tiêu chuyển hóa tiềm năng, thế mạnh của các bên thành những giá trị cụ thể, nâng cao hiệu quả hợp tác./.

Xem thêm