Hồng không hạt tăng giá trị nhờ chỉ dẫn địa lý

Bản Lác là nơi có diện tích hồng lớn nhất của xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, với tổng diện tích khoảng 14ha. Cây trồng này đã giúp cho đồng bào nơi đây có cuộc sống ngày càng khấm khá.

Gia đình bà Hoàng Thị Ngọc ở thôn Bản Lác thu khoảng 2 tấn quả hồng không hạt trong vụ này.
Gia đình bà Hoàng Thị Ngọc ở thôn Bản Lác thu khoảng 2 tấn quả hồng không hạt trong vụ này.

Cách trung tâm xã Quảng Bạch khoảng 4km, thôn Bản Lác nằm khuất sau triển núi, đây là vùng trồng nhiều hồng nhất ở Quảng Bạch. Với địa hình bằng phẳng và thoáng đãng, bao quanh thôn là những dãy đồi, núi cao. Nếu như trước đây cây hồng chỉ được trồng rải rác ở bờ ao, bờ ruộng, ven đồi, khe suối thì nay nhiều hộ đã trồng tập trung cho năng suất khá. Quả hồng Bản Lác được thị trường ưa chuộng bởi vị ngọt đậm, giòn, tỷ lệ cát cao, nhiều tư thương tìm đến đặt hàng, vận chuyển về các tỉnh miền xuôi. 

Bản Lác hiện có 14ha hồng không hạt, năng suất đạt 55 tạ/ha. Từ khi cây hồng Bắc Kạn được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thì giá trị của quả hồng tại đây đã được tăng lên. Thu mua tại chỗ có giá từ 21.000-25.000 đồng/kg, bán lẻ có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. Với hiệu quả kinh tế, hồng không hạt đã trở thành cây trồng hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ trong vùng.

Thu hái hồng không hạt.
Thu hái hồng không hạt.

Đồng chí Nông Văn Linh, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lác cho hay: “Bản Lác có 70 hộ dân nhưng nhà nào cũng trồng hồng, nhiều thì vài trăm cây, ít thì vài chục cây. Những vị trí như bờ ao, bờ ruộng, chân đồi đều được bà con tận dụng trồng hồng. Đặc biệt vào vụ, quả hồng thu hái đến đâu là bán hết đến đó nên người dân rất phấn khởi, thậm chí cung không đủ cầu”.

 Đến nay, đời sống của bà con Bản Lác nhờ cây hồng mà có sự thay đổi đáng kể, số hộ nghèo giảm chỉ còn 01 hộ (theo chuẩn cũ), nhiều gia đình đã mua sắm được các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, nuôi con ăn học đầy đủ, xây dựng được nhà cửa khang trang. Điển hình như ông Triệu Văn Ngự, Nông Văn Việt có hơn 100 gốc hồng, mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng; bà Hoàng Thị Ngọc có 200 gốc hồng, mỗi năm thu trên 2 tấn quả, mang lại thu nhập từ 50-80 triệu đồng/năm.

Hồng không hạt Bản Lác được trồng nhiều ở bờ ruộng.
Hồng không hạt Bản Lác được trồng nhiều ở bờ ruộng.

Từ tháng 9 đến tháng 10 là thời điểm quả hồng chín rộ, mặc dù mang lại giá trị kinh tế khá nhưng người dân còn băn khoăn là sản lượng hồng đang có dấu hiệu giảm do bị sâu bệnh tấn công, cụ thể là bệnh thán thư, bệnh lốm đốm đen ở vỏ khiến quả nhỏ, rụng nhiều. Mặc dù đã được các ngành chức năng xử lý, phòng trừ nhưng bệnh chưa có chuyển biến.“Mấy năm trước cây chưa bệnh, thời tiết ủng hộ, có vụ thu về gần 5 tấn nhưng năm nay chắc chỉ được khoảng 2 tấn do quả bị rụng nhiều”, bà Ngọc chia sẻ.

Cây hồng không hạt đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Bản Lác, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Địa phương mong muốn cây trồng này tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ các giải pháp để duy trì, cải thiện năng suất, giữ vững thương hiệu cây đặc sản bản địa./.

Thu Trang

Xem thêm