Trong khuôn khổ lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học Định hướng phát triển bền vững cây dong riềng, cây quýt Bắc Kạn.
![]() |
Quang cảnh buổi hội thảo.- ảnh: Quý Đôn |
Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Hoàng Ngọc Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số Vụ, Viện thuộc các Bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, các huyện, thị.
Khai mạc hội thảo, đồng chí Hoàng Ngọc Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể có vị trí quan trọng trong phát triển nông sản. Đơn cử như hồng không hạt, gạo Bao thai Chợ Đồn từ khi được cấp đã có mức tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên, làm sao giữ vững được thương hiệu lại càng quan trọng. Vì vậy tại hội thảo, Bắc Kạn mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để làm sao đó phát huy hiệu quả thương hiệu.
Theo đánh giá của Viện Rau quả trung ương, quýt Bắc Kạn là giống quýt quý. Nhận thấy triển vọng của sản phẩm này, UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt dự án quy hoạch cây trồng chính giai đoạn 2008- 2015 từ năm 2009 trong đó có cây quýt. Đến nay, tổng diện tích quýt của tỉnh đã đạt 1.200ha. Đến ngày 14/11/2012, quýt Bắc Kạn đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Trong khi đó, miến dong cũng là sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao của Bắc Kạn. Từ năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt nội dung thuyết minh và dự toán kinh phí thực hiện dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Miến dong Bắc Kạn”. Năm 2012, toàn tỉnh đã trồng được 1.848ha dong riềng và xây dựng hàng loạt cơ sở chế biến miến dong, tinh bột dong. Ngày 2/10/2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể cho Miến dong Bắc Kạn.
![]() |
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm quýt và Miến dong.- ảnh: Quý Đôn |
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện trên toàn tỉnh có 106 cơ sở sản xuất tinh bột với tổng công suất chế biến khoảng 1.354 tấn củ/ngày đáp ứng toàn bộ lượng củ dong riềng năm 2012; chế biến miến dong có 30 cơ sở với công suất 20 tấn miến/ngày sử dụng công nghệ truyền thống và một số sử dụng công nghệ mới có dùng máy móc hiện đại. Trong thời gian qua, trước khi có nhãn hiệu, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường là tiềm năng mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Tại hội thảo nhiều ý kiến đóng góp đã được đại biểu nêu ra. Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, hiện toàn quốc có khoảng 700 trung tâm thương mại, siêu thị vì vậy nếu sản phẩm quýt và miến dong có thể đủ sản lượng đưa vào hệ thống này sẽ rất hiệu quả. Kênh tiêu thụ thứ hai là thông qua mạng lưới chợ đầu mối và chợ truyền thống. Vụ sẵn sàng thực hiện chắp nối để thực hiện tiêu thụ sản phẩm quýt và miến dong Bắc Kạn khi có đủ sản lượng.
Lãnh đạo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro cho biết, đơn vị hết sức quan tâm mở hệ thống siêu thị trên các tỉnh phía Bắc. Tổng công ty sẵn sàng đưa sản phẩm quýt, miến dong của Bắc Kạn về phân phối tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Tổng công ty đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng mã vạch; có sản lượng ổn định…
Phát biểu với hội thảo, đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định việc phát triển bền vững sản phẩm được công nhận sở hữu trí tuệ là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục hỗ trợ phát triển thêm, công nhận thêm các sản phẩm đặc trưng khác của Bắc Kạn. Đồng chí đề nghị cần tăng cường khoa học, công nghệ để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, thay đổi thái độ phục vụ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản quýt quả.
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế và quy hoạch đã có, thời gian tới, định hướng phát triển cây dong riềng và cây quýt sẽ có những bước tiến mới. Cụ thể, đối với cam, quýt đạt 1.500ha; bình quân mỗi năm trồng khoảng 100ha; đầu tư thâm canh năng suất, chất lượng; phấn đấu đến 2015 có 1.000ha cho sản phẩm với năng suất 70 tạ/ha trở lên, sản lượng đạt 7.000 tấn; giá trị thu trên 85 tỷ đồng; phát triển tập trung ở Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Đồn. Đối với cây dong riềng thực hiện bảo đảm nguồn đất ổn định cho sản xuất 3.000ha để trồng luân canh; trong đó 2.000ha/năm trồng cây dong riềng với năng suất trung bình 70 tấn/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn, giá trị thu đạt 250- 265 tỷ đồng; phát triển mở rộng ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, những nơi gần đường giao thông đi lại, thuận tiện cho thu hoạch, vận chuyển sản phẩm./.
Tuấn Sơn