Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực

Chiều nay (24/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực". Hội nghị được kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng. Theo quan điểm xuyên suốt, lấy người dân làm trung tâm, “dân là gốc”, mọi chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều hướng đến người dân, làm sao bảo đảm cho Nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Do đó, đối tượng mà truyền thông chính sách hướng đến là người dân. Mọi người dân phải được biết và tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều thành tựu về truyền thông chính sách thời gian qua, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh như: Chất lượng, hiệu quả của truyền thông chính sách chưa xứng tầm. Nhiều thông tin chính sách chưa đến được với người dân. Có lúc các nguồn thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước.

Một trong những khó khăn của truyền thông chính sách là thiếu đội ngũ truyền thông chính sách chuyên nghiệp. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách chưa đầy đủ. Nhận thức về lực lượng chủ lực làm truyền thông chính sách chưa rõ ràng. Đại bộ phận các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông. Cho rằng truyền thông chính sách là nhiệm vụ của báo chí.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị nêu lên một số vấn đề cấp thiết liên quan như: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Khẳng định truyền thông chính sách là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương. Báo chí là công cụ, là phương thức của Đảng, Nhà nước trong truyền thông chính sách, do đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách và nguồn lực con người, tài chính, khoa học kỹ thuật hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin chính thống trở thành dòng chảy chính, định hướng dư luận, hiệu quả. Phải có công cụ, phương thức đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, công tác truyền thông chính sách cần phải đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bắt đầu từ đội ngũ nhân lực, nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách phù hợp. Truyền thông chính sách cần phải tăng cường hơn nữa vai trò chính thống. Cần thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị về truyền thông chính sách, đẩy lùi, phản bác các luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Phải lắng nghe ý kiến phản biện của người dân trong việc truyền thông chính sách. Thông qua truyền thông chính sách để đánh giá năng lực thực hiện chính sách của các cấp, các ngành. Không để xảy ra các cuộc khủng hoảng truyền thông. Đánh giá tác động toàn diện của truyền thông chính sách đối với sự phát triển của đất nước để có những ưu tiên về cơ chế, nguồn lực kịp thời trong tình hình mới.

Khẳng định truyền thông chính sách là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, cơ quan báo chí để chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phải đến được với mọi người dân, với tinh thần “dân là gốc”, Thủ tướng lưu ý: “Công tác truyền thông chính sách phải làm trước, trong, sau khi chính sách ban hành và là kênh để đánh giá về hiệu quả của chính sách. Tạo điều kiện để công dân, doanh nghiệp, đối tượng bị tác động có ý kiến phản hồi về chính sách. Phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của Nhân dân, doanh nghiệp trong truyền thông về chính sách. Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội về truyền thông chính sách. Đặc biệt là vai trò của các cơ quan báo chí trong vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác, đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá của các thế lực thù địch. Truyền thông chính sách luôn luôn chủ động, bám sát vào thực tiễn, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và Nhân dân”./.

Quý Đôn 

Xem thêm