Ngày 02/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên cả nước để đánh giá tình hình phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam đồng chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Văn Du- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lý Thái Hải- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018. Vì vậy, người đứng đầu chính phủ đề nghị các đại biểu không nêu nhiều thành tích mà phải đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, các địa phương các vùng. Tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như: Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất với 41,3% và có mức tăng cao nhất 17,5%.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp…
Tại Hội nghị, đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã phát biểu nhiều ý kiến nêu rõ những khó khăn, thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp khắc phục những khó khăn để phát triển.
![]() |
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên đồng chí chỉ rõ, mặc dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, nhưng quán tính, động năng tăng trưởng đang giảm đi. Thủ tướng cảnh báo sức ỳ của cải cách đã xuất hiện ngày càng lớn và yêu cầu, không thể để tình trạng "không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao". Không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ.
Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới trì trệ đất nước. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân. Thủ tướng nêu rõ: Các bộ, ngành phải cắt bỏ ngay những điều kiện kinh doanh vô lý, phát hiện ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng cơ chế chính sách. Phải tập trung tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, tin đồn, bịa đặt vu khống; xử lý nghiêm các vi phạm.
Một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, nhân Hội nghị 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị từng thành viên Chính phủ nên đánh giá lại ngành mình, từng Chủ tịch, Bí thư Tỉnh uỷ nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao./.
Phan Quý