Hoạt động ngân hàng giúp phát triển kinh tế huyện Chợ Mới

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Hiện trên địa bàn huyện Chợ Mới có 04 chi nhánh ngân hàng và phòng giao dịch. Những năm qua, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng này đã đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hoạt động giao dịch của cán bộ Ngân hàng CSXH tại xã Nông Hạ.

Hoạt động giao dịch của cán bộ Ngân hàng CSXH tại xã Nông Hạ.

Bà Phạm Thị Hiền, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới cho biết, tính đến hết 30/5, tổng dư nợ cho vay của đơn vị đạt 400,9 tỷ đồng, tăng 12,7 tỷ đồng so với 31/12/2022, tốc độ tăng trưởng là 3,2%. Trong đó dư nợ cho vay vùng DTTS&MN theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ là 5,9 tỷ đồng, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,24% trên tổng dư nợ.

Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới là kênh tín dụng giúp nhiều đối tượng khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay. Hiện nay 6.245 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; xây dựng và sửa chữa 2.661 công trình nước sạch, 2.605 công trình vệ sinh; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.659 lao động (trong đó có 9 lao động đi làm việc ở nước ngoài); hỗ trợ 579 học sinh sinh viên có điều kiện tiếp tục đến trường.

Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, NHCSXH huyện Chợ Mới đã cho vay đối với 129 lượt hộ gia đình để hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề... với số tiền 6 tỷ đồng. Năm 2023, đơn vị được giao nguồn vốn cho vay là 4 tỷ đồng, NHCS đang tích cực phối hợp cùng các phòng ban liên quan của huyện để tham mưu cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của Nhân dân.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chợ Mới.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chợ Mới.

Theo đánh giá của Agribank chi nhánh Chợ Mới, dư nợ hiện nay của đơn vị hiện đạt trên 400 tỷ đồng, nguồn cho vay chủ yếu cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Hơn 78% vốn cho vay được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp bà con ổn định đời sống.

Ông Lê Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Trên địa bàn có bốn chi nhánh ngân hàng và phòng giao dịch gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt, với hơn 1.300 tỷ đồng dư nợ, đã giúp hàng nghìn người có việc làm và đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã vay cũng góp phần tạo nguồn lực mạnh mẽ cho đầu tư kinh doanh, mua sắm trang thiết bị, bổ sung vốn lưu động.

Một số mô hình sử dụng vốn vay có hiệu quả như hộ bà Nguyễn Thị Hành ở thôn Thôm Bó, xã Bình Văn vay vốn theo diện hộ nghèo 100 triệu đồng để trồng trên 4ha rừng hồi; hộ ông Nguyễn Thế Ba ở tổ 9, thị trấn Đồng Tâm vay vốn hộ cận nghèo 100 triệu đồng để chăn nuôi, hiện gia đình có tổng đàn bò khoảng 25 con; hộ bà Nguyễn Thị Sơn, tổ 1 thị trấn Đồng Tâm, vay vốn theo diện hộ mới thoát nghèo 100 triệu đồng để chăn nuôi lợn nái, hiện có 13 con lợn nái đang sinh trưởng và phát triển tốt...

Có vốn vay từ các chi nhánh ngân hàng và phòng giao dịch, người dân và các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện Chợ Mới đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thương mại, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp không nhỏ cho nguồn ngân sách huyện; tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương./.

Xem thêm