Những năm gần đây, nguồn vốn khuyến công của tỉnh Bắc Kạn đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị, máy móc tiến tiến. Qua đó giúp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm cho người dân.
Công ty cổ phần đầu tư Govina được Đề án hỗ trợ 01 máy sấy Veneer trong dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất ván dán, với kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng. |
Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ các cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cụ thể, năm 2018, Sở Công Thương đã thực hiện hoàn thành 14/14 đề án khuyến công, đạt 100% với tổng kinh phí thực hiện là 1.129 triệu đồng. Trong năm 2019, được giao thực hiện 1 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị từ nguồn khuyến công quốc gia với kinh phí thực hiện 300 triệu đồng và được UBND tỉnh Bắc Kạn giao thực hiện 07 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí 523 triệu đồng.
Điển hình trong năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu” cho Công ty cổ phần Sao Mai Bắc Kạn, tại tổ nhân dân Bản Pò, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Đề án đã hỗ trợ kinh phí cho Công ty cổ phần Sao Mai Bắc Kạn đầu tư ứng dụng 01 máy ép gạch tự động trong dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu. Kinh phí hỗ trợ của đề án là 200 triệu đồng. Đề án đầu tư xây dựng xưởng sản xuất và ứng dụng được 01 máy ép gạch tự động công suất 30.000 viên/ca. Hiện số máy móc thiết bị được đề án khuyến công quốc gia năm 2018 hỗ trợ Công ty Sao Mai Bắc Kạn đang vận hành sản xuất ổn định, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho 15 lao động tại công ty với lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty cổ phần đầu tư Govina đã được Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất ván dán” đầu tư 01 máy sấy Veneer với kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng. Hiện nay máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất ván dán được đề án khuyến công quốc gia năm 2018 hỗ trợ đã vận hành sản xuất ổn định, sản phẩm ván dán của nhà máy đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ... góp phần giải quyết việc làm cho 180 lao động với lương bình quân triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó,Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ Hợp tác xã Hoàng Huynh Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nông sản và thực phẩm”, đầu tư ứng dụng 01 Máy sấy nông sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giải quyết việc làm tại chỗ cho 05 lao động địa phương với lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, các chương trình khuyến công đã góp phần tích cực làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, khẳng định vai trò quan trọng trong việc động viên, huy động các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí Trần Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục lựa chọn các đơn vị và ngành nghề hỗ trợ đúng hướng, đúng đối tượng, đúng mục đích nhằm phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư chiều sâu, ứng dụng khoa học đổi mới trang thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có tiềm năng xuất khẩu. Tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Xây dựng các đề án tập trung vào hỗ trợ phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh như chế biến nông lâm sản. Đồng thời, thực hiện lồng ghép có hiệu quả hoạt động khuyến công với các chương trình mục tiêu gắn với các chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Tạo cơ chế chính sách viên khuyến khích kịp thời các tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển hướng đầu tư tham gia vào lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là ngành nghề sản xuất chế biến nông - lâm nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng nhằm phát huy lợi thế của tỉnh./.
Bích Ngọc