Hiệu quả từ chính sách phát triển rừng đặc dụng

0:00 / 0:00
0:00

Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Lắp đèn chiếu sáng đường quê

Lắp đèn chiếu sáng đường quê

Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Kim Hỷ rộng hơn 14 nghìn ha, nằm trên địa bàn 2 huyện là Na Rì và Bạch Thông. KBT được thành lập năm 2003 với nhiệm vụ bảo tồn và phục hồi quần thể và hệ sinh thái của các loài động, thực vật quý hiếm; cải thiện đời sống nhân dân thông qua các chương trình phát triển kinh tế vùng đệm và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn lợi tự nhiên.

Ngày 01/6/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Từ đó đến nay, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng và hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn vùng đệm (gói hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn/năm). Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng của thôn như làm đường, cầu, nhà họp thôn, công trình nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất cây con giống như lợn, gà, giống ngô, lúa; máy móc phương tiện sản xuất như máy tẽ ngô, máy nghiền thức ăn cho chăn nuôi. Ngoài ra, các cộng đồng dân cư còn được thu hái sản phẩm phụ từ diện tích rừng mình tham gia nhận khoán. Thông qua các hoạt động nêu trên đã giúp người dân cải thiện đời sống, đồng thời góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.

Năm 2022, thực hiện hỗ trợ cho 34 cộng đồng thôn với 1.852 hộ hưởng lợi. Cụ thể, hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng thôn, xây dựng được 1.280,9 m đường bê tông (chiều rộng từ 1,2 m - 2,5 m, chiều dày từ 12 - 14 cm); 86,95m kè nhà văn hóa thôn và đường dân sinh; 167,3 m2 trần nhà; 333,3 m2 gạch lát nền sân nhà văn hóa; 03 mặt cầu dân sinh; 406 bộ đèn năng lượng mặt trời; 5.400 m vòi dẫn nước sinh hoạt. Hỗ trợ người dân đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất 609 kg ngô giống, 376 kg lúa giống, 64 con lợn giống, 5.333 con gà giống.

Giao cưa xăng cho người dân sử dụng

Giao cưa xăng cho người dân sử dụng

Cùng với đó, giao khoán 9.250ha rừng đặc dụng cho 33 đối tượng là cộng đồng thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng với mức khoán 150.000/ha/năm.

Trong đó, địa bàn các xã thuộc huyện Na Rì gồm Văn Lang 1.499ha/06 thôn; Lương Thượng 662ha/04 thôn; Côn Minh 2.579ha/08 thôn; Kim Hỷ 1.567ha/06 thôn; các xã thuộc huyện Bạch Thông gồm xã Cao Sơn 1.856ha/04 thôn; Vũ Muộn: 1.087ha/05 thôn.

Ngay từ đầu năm các thôn đã họp kiện toàn lại tổ nhận khoán bảo vệ rừng gồm 166 nhóm, tổ với 1.152 thành viên. Các tổ nhận khoán đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra rừng trung bình 2 - 6 lần/tổ/tháng tùy vào điều kiện từng thôn với diện tích nhận khoán. Theo đó, năm 2022 các tổ nhận khoán đã tổ chức tuần tra, kiểm tra được 1.423 lượt với 6.774 lượt người tham gia, tăng 58 lượt tuần tra, 332 lượt người so với năm 2021. Qua tuần tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo cáo Trạm Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm xử lý nhiều vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật.

Từ khi triển khai giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng và hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn vùng đệm, các cộng đồng thôn có được sự động viên, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất nên người dân trong thôn rất phấn khởi và đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, nâng cao ý thức tố giác, phát giác tội phạm. Công tác quản lý cưa xăng được đăng ký và quản lý tập trung tốt hơn.

Các công trình công cộng như đường bê tông, kè đường, cầu dân sinh, kè nền nhà văn hóa thôn, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, vòi dẫn nước sinh hoạt… của gói hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn vùng đệm đã được đưa vào sử dụng và phục vụ thiết thực cho đời sống hằng ngày của người dân trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, buôn bán cũng như thu hoạch sản phẩm nông nghiệp và sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra còn góp một phần không nhỏ vào việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Phan Quý

Xem thêm