Hiệu quả chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hoá ở Pác Nặm

Thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ nghèo cao ở Pác Nặm. Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, huyện Pác Nặm đã sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau giúp người dân mở rộng đất sản xuất, trong đó có nguồn vốn của Chương trình 30a.

Thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ nghèo cao ở Pác Nặm. Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, huyện Pác Nặm đã sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau giúp người dân mở rộng đất sản xuất, trong đó có nguồn vốn của Chương trình 30a.

Pác Nặm có diện tích tự nhiên 47.539 ha, nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ có 4.408 ha, chiếm 9,3%. Thiếu đất sản xuất từ lâu được được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói, nghèo của người dân, đặc biệt là người dân vùng cao. Năm 2009, Chương trình 30a được triển khai như nguồn sinh khí mới giúp người nghèo Pác Nặm có điều kiện vươn lên. Từ nguồn vốn của chương trình này, huyện Pác Nặm đã triển khai hỗ trợ người dân khai hoang, phục hoá với mức 10 triệu đồng/ha khai hoang và 5 triệu đồng/ha phục hoá. Chính sách trên đã mang lại những tích động tích cực, tạo ra phong trào khai hoang phục hoá rộng khắp trong huyện với hàng trăm hộ dân đăng ký thực hiện.

d
Cán bộ xã Giáo Hiệu nghiệm thu đất khai hoang, phục hoá theo Chương trình 30a.

Do đất đai cằn cỗi nên trước đây khu đồi của gia đình anh Nông Văn De ở thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu thường để hoang hoặc chỉ sử dụng trồng sắn với năng suất thấp. Do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, trong khi đó đất sản xuất lại thiếu nên anh De đã làm đơn xin hỗ trợ cải tạo hơn 3.000 m2 đồi thành ruộng bậc thang theo Chương trình 30a. Dù là vụ đầu sản xuất nhưng do chăm sóc tốt và thuận lợi về nguồn nước tưới nên kết quả thu được rất khả quan. Không chỉ có thêm khoảng 1 tấn thóc trong năm 2012, việc cải tạo trên còn giúp gia đình anh có tư liệu sản xuất bền vững.

Tranh thủ lúc nông nhàn, anh Hoàng A Páo (cùng ở thôn Cốc Lào), huy động nhân lực trong gia đình phục hoá mảnh ruộng đã bỏ hoang nhiều năm, đồng thời tiến hành khai hoang khu đất mới. Dù chủ yếu sử dụng bằng sức người nhưng với sự kiên trì, vượt khó của các thành viên, đến nay gia đình anh đã khai hoang, phục hoá được hơn 2.000 m2 đất ruộng. Anh Páo cho biết: Những năm trước do đất nghèo kiệt lại thiếu đầu tư chăm sóc nên dù trồng cây gì cũng chẳng mấy khi cho thu hoạch. Vì thế, có những vụ gia đình bỏ không, dù đất sản xuất còn thiếu. Nay được cải tạo để cấy lúa gia đình không còn lo thiếu lương thực như trước đây.

Để việc khai hoang, phục hoá đạt hiệu quả cao và đảm bảo đúng những quy định của pháp luật, UBND xã Giáo Hiệu đã phân cử cán bộ chuyên môn và đội ngũ trí thức trẻ theo Chương trình 30a hỗ trợ, giám sát quá trình thực hiện của người dân. Hàng nghìn mét vuông đất được khai hoang, phục hoá cũng đồng nghĩa với nhiều hộ dân có thêm tư liệu sản xuất, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Theo điều tra của UBND xã An Thắng cho thấy, năm 2011 toàn xã có 116 hộ nghèo thì có đến 39 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Nắm bắt được nguyên nhân trên lãnh đạo xã đã khuyến khích người dân tích cực khai hoang, phục hoá trên phần đất nông nghiệp đã được quy hoạch. Nhờ vậy, qua mỗi năm diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã lại được bổ sung.

Trong 3 năm, từ 2009 đến 2011, toàn huyện Pác Nặm đã có gần 1.000 lượt hộ được hỗ trợ khai hoang, phục hoá theo Chương trình 30a với diện tích thực hiện hơn 105 ha. Riêng trong năm 2012, có đến hơn 1.000 hộ đăng ký khai hoang, phục hoá với tổng diện tích hơn 126 ha, trong đó diện tích khai hoang là hơn 98 ha. Như vậy, tính từ thời điểm chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hoá theo Chương trình 30a được triển khai, huyện Pác Nặm đã có thêm hơn 200 ha đất sản xuất. Con số trên thực sự mang nhiều ý nghĩa đối với một huyện thuần nông nhưng ít đất sản xuất nông nghiệp như Pác Nặm. Với những kết quả đã đạt được, huyện Pác Nặm sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người dân khai hoang, phục hoá trong thời gian tới. Mục tiêu đặt ra đến năm 2015, toàn huyện phấn đấu đưa tổng diện tích đất gieo cấy lúa nước lên con số hơn 1.900 ha. Điều này sẽ giúp Pác Nặm đảm bảo an ninh lương thực và là một trong những giải pháp góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm