Nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân, những năm qua, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) luôn quan tâm, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo.
![]() |
Kết thúc lớp học nấu ăn, các học viên đã biết chế biến và trang trí nhiều món ăn hấp dẫn. |
Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết: Người dân trong xã chủ yếu là làm nông, thu nhập bấp bênh, nhiều hộ không đủ ăn. Với mong muốn bà con có hướng đi mới để thoát nghèo, xã luôn quan tâm, chú trọng đào tạo việc làm cho lao động nông thôn. Từ tháng 8/2022 đến nay, UBND xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngân Sơn mở 04 lớp học nghề nấu ăn và xây dựng cho các đối tượng khó khăn.
Trước khi mở lớp đào tạo nghề, cán bộ phụ trách Văn hóa - Xã hội của xã đã khảo sát nhu cầu của người dân, tuyên truyền, vận động bà con đăng ký tham gia lớp học. Nhận thấy nghề xây dựng và nấu ăn phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế, xã đã phối hợp mở lớp đào tạo cho 140 đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong vòng 2 tháng, song song với học lý thuyết, các học viên được “cầm tay chỉ việc” thực hành những kiến thức đã học. Ngoài ra, người lao động khi học nghề được phát đồ dùng học tập và hỗ trợ kinh phí 30.000 đồng/ngày.
Anh Dương Văn Tráng, người dân thôn Khuổi Luông phấn khởi: Trước khi được học nghề xây dựng, tôi cũng đã từng đi làm phụ xây nhưng thấy khó và rất mệt. Được các thầy dạy một cách bài bản, tôi đã biết kỹ thuật xây cơ bản, không tốn nhiều sức mà nhanh hơn. Sau khi học xong, thời gian gần đây, tôi và 6 học viên khác đã lập thành nhóm để nhận các công trình nhỏ như: Xây chuồng lợn, bể phốt, nhà vệ sinh, tường bao... Trước đây, bà con phải gọi thợ ở xa đến, tiền thuê cao và phải có chỗ ngủ, nay chúng tôi làm tại chỗ thì thuận tiện hơn rất nhiều.
![]() |
Học viên thực hành tại lớp đào tạo nghề xây dựng. |
Còn với chị Dương Thị Thiệp ở thôn Pù Cà, sau khi học xong khóa đào tạo nấu ăn đã có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm hay. “Học xong tôi đã biết làm nhiều món hay từ những nguyên liệu quen thuộc như: Chả cá, chả cốm…, về nấu ăn cho gia đình ai cũng khen ngon. Tôi còn biết trang trí món ăn sao cho đẹp mắt, ngon miệng, kết hợp thực phẩm hợp lý và đầy đủ chất dinh dưỡng, nhờ đó mà nấu ăn cũng mang lại nhiều niềm vui. Hiện nay tôi có thêm nghề tay trái là cùng các chị em làm cỗ dịch vụ. Từ trước đến nay, tôi chủ yếu là làm nông, tự cung tự cấp, kiếm đồng tiền rất khó, giờ có thêm nghề nấu ăn cũng giúp tăng thêm thu nhập”, chị Thiệp chia sẻ.
Xã Hiệp Lực hiện có hơn 2.900 người trong độ tuổi lao động (từ 18- 55 tuổi). Năm 2021, thu nhập bình quân của xã là 20,5 triệu đồng/người/năm. Người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các thôn vùng cao, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ năm 2019 đến nay, xã đã phối hợp mở 8 lớp đào tạo nghề cho 280 lao động nông thôn tham gia với đa dạng các nghề như: Nấu ăn, xây dựng, thú y, kỹ thuật trồng rau màu… Qua đó góp phần giúp người lao động có thêm nghề mới, áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình./.
Bích Phượng