HĐND tỉnh Bắc Kạn: Giám sát để chính sách thực sự đi vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Năm 2023 là năm ghi dấu nhiều hoạt động nổi bật của HĐND tỉnh như tổ chức thành công các Kỳ họp HĐND, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu, tiến hành các cuộc khảo sát, giám sát… Phóng viên Báo Bắc Kạn đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn đồng chí Đồng Văn Lưu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh về nội dung này.
Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phóng viên: Thưa đồng chí, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND tỉnh, năm 2023, HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Qua giám sát, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra và gửi kiến nghị với UBND tỉnh. Đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện chức năng này?

Đồng chí Đồng Văn Lưu: Trong năm 2023, HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 30 cuộc giám sát gắn với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; tập trung vào những vấn đề mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, thực hiện theo dõi, giám sát thường xuyên việc triển khai, thực hiện các dự án do HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh; việc tổ chức thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh đã cho ý kiến.

Theo đó, sau giám sát HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã chuyển 150 kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và sử dụng các nguồn lực của địa phương.

Điển hình như: Qua giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý đất công gắn với tài sản công trên địa bàn tỉnh cho thấy UBND, cơ quan chuyên môn chưa tổ chức cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát, UBND tỉnh đã thành lập, tổ chức kiểm tra chuyên đề quản lý, sử dụng tài sản công tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có báo cáo kết quả kiểm tra và văn bản chỉ đạo thực hiện về nội dung này.

Qua giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc đã phát hiện một số bất cập về quy định trong thực hiện Chương trình. Thực hiện kiến nghị của Ban Dân tộc, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, trình HĐND tỉnh điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình đối với Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 (nội dung thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng).

HĐND tỉnh năm 2023 có nhiều đổi mới, lần đầu tiên sử dụng phần mềm họp thông minh Bkav eCabinet để phục vụ Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X.

HĐND tỉnh năm 2023 có nhiều đổi mới, lần đầu tiên sử dụng phần mềm họp thông minh Bkav eCabinet để phục vụ Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X.

Phóng viên: Năm 2023, HĐND tỉnh đã tổ chức 02 phiên chất vấn và trả lời chất vấn thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri. Xin đồng chí cho biết để có những phiên chất vấn sôi nổi như vậy, HĐND tỉnh đã chuẩn bị như thế nào? Và việc “theo đuổi” đến cùng các vấn đề được chất vấn đã được thực hiện ra sao?

Đồng chí Đồng Văn Lưu: Để chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh căn cứ ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả các cuộc giám sát, khảo sát và tình hình thực tiễn của tỉnh đề xuất nội dung chất vấn, nhóm vấn đề cần chất vấn. Theo đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp đảm bảo dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm.

Trong năm 2023, HĐND tỉnh đã tổ chức 02 phiên chất vấn và trả lời chất vấn thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri. Cụ thể: Tại Kỳ họp thường lệ giữa năm, HĐND tỉnh chất vấn theo nhóm vấn đề, các đại biểu đặt 24 câu hỏi chất vấn đối với Chủ tịch UBND tỉnh và 11 giám đốc sở, ngành, thủ trưởng cơ quan về các nội dung được cử tri quan tâm. Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm, HĐND tỉnh đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với giám đốc các sở: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính và Chủ tịch UBND tỉnh. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt 32 câu hỏi, trao đổi về những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri, tập trung vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành chất vấn và công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh.

Sau mỗi phiên chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc các sở đã đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện những nội dung đã hứa. Đồng thời, UBND tỉnh có báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo. Qua đó có nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền được các cơ quan giải quyết, khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời thể hiện quyền lực của HĐND cũng như khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND.

Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong năm 2023 là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Về nội dung này đã được HĐND 2 cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thực hiện như thế nào? Kết quả đạt được ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Đồng Văn Lưu: Thực hiện các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Thường trực HĐND tỉnh, cấp huyện đã ban hành Kế hoạch về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bầu. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ cùng cấp được thực hiện chặt chẽ trong việc chuẩn bị, tổ chức, triển khai lấy phiếu tín nhiệm. Người được lấy phiếu báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục.

Việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch và đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Tỷ lệ người có phiếu tín nhiệm, tín nhiệm cao chiếm đa số. Kết quả cụ thể như sau: Cấp tỉnh có 22/22 người được lấy phiếu tín nhiệm đạt mức “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên. Cấp huyện có 101/129 người được lấy phiếu tín nhiệm đạt mức “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên. Cả 2 cấp không có trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” và người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên.

Ngay sau khi các đại biểu HĐND thống nhất biểu quyết thông qua nghị quyết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin để kịp thời tuyên truyền tới cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Đến thời điểm hiện tại, không có đơn thư, ý kiến phản ánh của đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân liên quan đến công tác lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan của các vị đại biểu HĐND, vừa đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cá nhân được lấy phiếu, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Xem thêm