Hãy để thói quen “Đã uống rượu bia, không lái xe” không chỉ là đối phó

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thói quen sử dụng rượu, bia trong những cuộc gặp gỡ đã trở thành tập tục từ lâu của người dân, thậm chí là một phần trong nét văn hoá ẩm thực truyền thống của người Việt.

Tuy nhiên, đã uống bia, rượu rồi lại điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm quy định pháp luật, tiềm ẩn, gián tiếp hoặc trực tiếp nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) cho bản thân và cộng đồng, là hành vi đáng lên án và cần phải loại bỏ triệt để.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền mà tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia đã có sự chuyển biến theo hướng được kiểm soát, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, phần đa ý thức người dân mới chỉ dừng lại ở mức độ “đối phó” với các cơ quan chức năng mà chưa thực sự hiểu tác hại của việc uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây ra hậu quả khôn lường cho cả bản thân và xã hội.

Anh Nông Văn T, một thanh niên ở thành phố Bắc Kạn có thói quen tụ tập bạn bè ăn nhậu vào mỗi dịp cuối tuần ở nhà hàng. Từ khi được tuyên truyền về quy định “Đã uống rượu bia, không lái xe” và thấy sự vào cuộc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn của các cơ quan chức năng anh và bạn bè đã tự nhắc nhở nhau chọn cách tham gia giao thông an toàn nhất đó là nhờ người thân đón mỗi khi kết thúc cuộc nhậu. Dù có bất tiện, nhưng nghĩ tới mức độ phạt khá nặng khi người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn anh T không ngại nhờ người đưa đón hoặc đi tắc-xi mỗi khi đã uống rượu để di chuyển về nhà.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp có tư tưởng “đối phó”, mặc dù biết rằng mình đã uống rượu bia quá mức cho phép, nhưng cố tình quan sát, nghe ngóng tình hình xem khu vực gần quán ăn, nhà hàng nơi mình ăn uống có lực lượng Công an chốt chặn, kiểm tra nồng độ cồn hay không? Nếu không có sẽ đánh liều lái xe ô tô hoặc mô tô về nhà.

Báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn, tháng 5/2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý 980 trường hợp vi phạm với số lượng phương tiện vi phạm gồm: 247 xe ô tô , 724 mô tô xe máy, 09 phương tiện thô sơ. Tạm giữ 16 xe ô tô, 480 mô tô xe máy, 09 xe thô sơ. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 717 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước trên 2,2 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 14 trường hợp, xử phạt theo hình thức không lập biên bản (phạt tại chỗ) 52 trường hợp với tổng số tiền là 7,6 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 311 trường hợp. Xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông 398 trường hợp, phương tiện vi phạm gồm (01 ô tô tải; 05 ô tô con; 383 mô tô, xe máy; 09 xe thô sơ).

Những con số xử lý vi phạm về an toàn giao thông trong tháng 5 vừa qua, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cho thấy vẫn còn nhiều người chưa nhận thức đầy đủ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Hãy thay đổi thói quen "Đã uống rượu bia, không lái xe".

Hãy thay đổi thói quen "Đã uống rượu bia, không lái xe".

Ông Đặng Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Nội dung trọng tâm trong Kế hoạch tuyên truyền của Ban An toàn giao thông đề ra trong năm 2023 đó là tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giao thông đường bộ, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, phấn đấu kiềm chế và giảm TNGT cả 03 tiêu chí từ 5-10% về (số vụ, số người chết và bị thương) so với năm 2022.

Thay đổi một thói quen lâu ngày và từng được một bộ phận số đông thừa nhận là rất khó, nhưng để hình thành thói quen mới, "Đã uống rượu bia, không lái xe", còn khó hơn nhiều. Nhưng khi người tham gia giao thông tự giác nhận thức được hành vi sai trái và có kiến thức, phương pháp để tự điều chỉnh được hành vi của mình và được cộng đồng cổ vũ, giúp đỡ thì một thói quen mới sẽ hình thành, và không chỉ thực hiện theo kiểu “đối phó” để ngành chức năng sẽ không còn phải xử lý các đối tượng vi phạm như hiện nay./.

Xem thêm