Hành trình lan tỏa lịch sử yêu nước của cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Vượt qua hơn 22.000 bài dự thi trong cả nước, cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bắc Kạn đã giành giải Nhất Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh.

Chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh trong một buổi chiều đông. Mặc dù đang rất bận rộn chuẩn bị cho Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024 và lịch lên lớp dày đặc, cô giáo Thiên Sinh vẫn vui vẻ nhận lời tiếp phóng viên Báo Bắc Kạn.

Cô Sinh là giáo viên dạy môn Ngữ văn, cô luôn dành nhiều tâm huyết và mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử, lòng biết ơn các thế hệ cha ông đi trước và công lao to lớn của Đảng, Nhà nước đến với học sinh. Với quan điểm “Văn, Sử, Triết bất phân”, cô lồng ghép các sự kiện lịch sử, con người trong lịch sử vào bài giảng của mình như một việc làm hằng ngày, thường xuyên.

Quan điểm của cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh về sự gắn bó giữa bộ môn Lịch sử và Ngữ văn.

Cô Sinh chia sẻ: “Tôi thường dạy lịch sử cho học sinh bằng hình ảnh, video. Hiện nay có một số kênh như Youtube dựng lại những sự kiện lịch sử rất chân thực, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Ví dụ như: Gần đến Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 thì tôi cho các em xem những hình ảnh, video về cuộc đấu tranh ngoại giao của đồng chí Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1973. Các em xem vô cùng cuốn hút, thích thú, thậm chí không muốn về”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh trong một giờ lên lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh trong một giờ lên lớp.

Khi được phát động tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam”, với cảm hứng khao khát được viết về những bậc anh hùng kiệt xuất trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp, cô Sinh đã miệt mài sưu tầm tài liệu, tư liệu về những người anh hùng đó và viết bằng tay một mạch không nghỉ trong vòng 02 tháng hè. Sau đó, cô nhờ đồng nghiệp ở các trường sưu tầm thêm hình ảnh, tư liệu, giới thiệu tấm gương nhà giáo, học sinh người dân tộc thiểu số để đưa vào làm minh chứng về đất nước, con người Việt Nam, quê hương Bắc Kạn, con người Bắc Kạn trong bài viết của mình.

Nội dung bài dự thi “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” của cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh.

Về thực trạng học Lịch sử và các bộ môn khối xã hội nhân văn hiện nay, cô Sinh cho rằng, thực tế các bạn học sinh cần lựa chọn khối thi để đáp ứng nhu cầu xin việc sau này nên có thể đã xao nhãng một phần nào giá trị lịch sử của cha ông và các bộ môn xã hội nhân văn. Nếu như giáo viên tâm huyết, có thể đem đến những bài giảng hấp dẫn, sự lôi cuốn, cuốn hút đối với học trò thì cô nghĩ các bạn học sinh sẽ có sự thay đổi trong tư duy và lựa chọn hướng đi không theo thị hiếu hiện nay.

Với niềm đam mê lịch sử bất tận và lòng biết ơn các anh hùng cứu nước, trong phòng khách gia đình, cô Sinh trang trọng trưng bày bức tượng Bác Hồ khá lớn và treo ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bức tượng Bác Hồ được cô Sinh trưng bày trang trọng tại phòng khách của gia đình.

Bức tượng Bác Hồ được cô Sinh trưng bày trang trọng tại phòng khách của gia đình.

Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh, thầy giáo Mai Vi Cảnh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh là một giáo viên dạy giỏi, luôn tích cực giúp đỡ đồng nghiệp và năng nổ trong mọi hoạt động. Bên cạnh công tác giảng dạy, cô còn tư vấn tâm lý cho học sinh. Cô đã giúp nhiều học sinh tự tin, hứng thú hơn trong việc học tập và hòa nhập tốt với môi trường học mới. Cô còn giúp đỡ đồng nghiệp, học sinh tham gia và đạt giải Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, năm học 2022 - 2023, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.

20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Thiên Sinh đã miệt mài lan toả, truyền cảm hứng tích cực về truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ học sinh. Đây cũng chính là động lực, niềm thôi thúc mãnh liệt giúp cô phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”./.

Xem thêm