Giữ gìn nghề nấu rượu truyền thống Bằng Phúc

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Từ lâu, xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) đã nổi tiếng với nghề nấu rượu truyền thống. Chính nguyên liệu của men lá rừng tự nhiên cùng gạo mới, bí quyết lâu năm trong nghề của người dân nơi đây đã tạo nên một sản phẩm mang hương vị riêng biệt.
Chị Tô Thị Sáo, ở thôn Bản Quân, xã Bằng Phúc có hơn 20 năm gắn bó với nghề nấu rượu.

Chị Tô Thị Sáo, ở thôn Bản Quân, xã Bằng Phúc có hơn 20 năm gắn bó với nghề nấu rượu.

Nghề truyền thống nhiều năm tuổi

Nghề nấu rượu ở xã Bằng Phúc có từ lâu, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, bà Tô Thị Sáo, 50 tuổi ở thôn Bản Quân chia sẻ: “Năm 14 tuổi, tôi đã đi theo người lớn vào rừng hái lá cây về làm men lá, thấy mọi người chỉ cây gì thì mình hái cây đó, dần dần cũng thuần thục trong việc sưu tầm lá cây, một trong những nguyên liệu quan trọng để tạo thành men”. Sau khi lập gia đình, chị Sáo vẫn chọn nghề nấu rượu, bởi theo chị đây là nghề phù hợp với nhà nông, có thị trường rộng và thu nhập ổn định. Mới đầu chỉ bán nhỏ lẻ, dần dần nhiều khách tìm đặt mua, nên chị đã nấu tăng dần. Hiện mỗi tháng gia đình chị bán ra khoảng 1.000 lít rượu, chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Hầu hết mọi người cho rằng, những yếu tố làm nên hương vị riêng của rượu Bằng Phúc là nhờ vào khí hậu mát mẻ, nguồn nước sạch, men lá tự nhiên, đun nấu bằng bếp củi. Điều đặc biệt nữa khi uống rượu ở đây không có hiện tượng đau đầu, nóng bụng. Không riêng chị Sáo mà nhiều hộ lân cận đều lấy nguồn nước ở đỉnh núi Hin Khao (tên gọi theo người bản địa), nơi có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Hiện nay Nhà nước đã đầu tư bể chứa, bể lọc trên núi để bảo đảm nguồn nước sử dụng lâu dài cho các hộ dân.

Với anh Tô Hữu Hoài, một trong những chủ cơ sở đang phân phối rượu lớn nhất tại xã lại có cách nhìn về câu chuyện sản phẩm của địa phương. Từ ngày nhỏ, khi còn ở với ông bà nội, anh đã luôn háo hức mỗi dịp Tết đến, đó là lúc ông nội ủ những chum rượu mà khi mở ra có vị thơm ngạt ngào của gạo mới, men lá của núi rừng. Mùi vị đó cứ thế quyến luyến anh, dù đi xa quê hương thì hương vị rượu Bằng Phúc vẫn không thay đổi, đó chính là chất xúc tác để anh quyết định khởi nghiệp từ nghề nấu rượu.

Cách nấu rượu ở đây chủ yếu theo phương pháp cổ truyền, kinh nghiệm lâu năm từ thời cha ông để lại.

Cách nấu rượu ở đây chủ yếu theo phương pháp cổ truyền, kinh nghiệm lâu năm từ thời cha ông để lại.

Rượu Bằng Phúc vươn xa

Bằng Phúc, cách thành phố Bắc Kạn hơn 50km. Xã được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu mát mẻ, dòng nước trong lành từ những ngọn núi cao chảy xuống làm cho đất đai thêm màu mỡ, trù phú, cây cối tốt tươi. Tận dụng những ưu thế đó, người dân đã sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên để nấu rượu. Chính sự tinh khiết của dòng nước cùng cách nấu thủ công truyền thống, sử dụng các loại men lá có trong tự nhiên đã tạo ra hương vị đặc trưng của rượu Bằng Phúc mà mỗi dịp Tết đến Xuân về, mỗi gia đình đều dùng để đón tiếp bạn bè.

Đến Bằng Phúc những ngày giáp Tết, trên đoạn đường ngổn ngang đất đá do đang thi công tuyến đường trọng điểm thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Dù còn dang dở, nhưng không hề làm giảm hoạt động thông thương, trao đổi hàng hóa ở đây. Càng gần Tết, những phương tiện chở rượu ra ngoài vẫn đều đặn. Từ vài hộ nấu rượu truyền thống, đến nay toàn xã có 300 hộ nấu rượu, bình quân mỗi ngày bán ra thị trường 5.000 lít. Trên địa bàn đã hình thành các cơ sở sản xuất rượu lớn, phân phối hàng hóa ra thị trường. Cụ thể như: Cơ sở rượu men lá Tô Hoài; HTX Rượu men lá Thanh Tâm; HTX Rượu men lá Bằng Phúc, trong đó sản phẩm của các HTX đều đã được công nhận sản phẩm OCOP. Niềm vui nhân lên khi năm 2022 rượu Bằng Phúc được chọn mặt gửi vàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều này khẳng định chất lượng, vị thế sản phẩm rượu ở đây đã lên tầm cao mới.

Cơ sở rượu men lá Tô Hoài ủ rượu để bán dịp Tết.

Cơ sở rượu men lá Tô Hoài ủ rượu để bán dịp Tết.

Ông Hoàng Văn Liến, Bí thư Đảng ủy xã: “Nghề nấu rượu đã giúp đời sống bà con có cuộc sống tốt hơn, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục vận động các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh luôn chú trọng chất lượng sản phẩm, giữ lấy nghề truyền thống, không chạy theo thương mại hóa mà đánh mất thương hiệu, uy tín của nghề. Đồng thời vận động hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền bà con bảo vệ môi trường để nghề nấu rượu luôn phát triển bền vững”.

Dựa trên những ưu thế có được, tháng 9 năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng làng nghề rượu Bằng Phúc. Mục đích tiến tới xây dựng các tiêu chí để công nhận Bằng Phúc là làng nghề nấu rượu truyền thống. Với định hướng của chính quyền các cấp, cùng chung tay, giữ vững thương hiệu bằng cái tâm làm nghề của bà con địa phương, chắc chắn rượu Bằng Phúc sẽ tiếp tục phát triển./.

Thu Trang

Xem thêm